Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Mác 13:24-27: "SỰ TÁI LÂM CỦA ĐẤNG CHRIST"



Mác 13:24-27
SỰ TÁI LÂM CỦA ĐẤNG CHRIST

Phần giới thiệu: Chúng ta đang ở vào một thời điểm trong năm biệt riêng ra để tưởng niệm lần đến thứ nhứt của Đức Chúa Jêsus Christ vào trong thế gian nầy. Chúng ta kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, là thời điểm chúng ta ghi nhớ sự ra đời của Con Đức Chúa Trời vào trong thế gian. Chúng ta rất quen thuộc với tất cả các chi tiết trong sự đến lần đầu tiên của Ngài.
Thế giới rất quen thuộc với Bếtlêhem, mấy gã chăn chiên, Mary và Giôsép, mấy thầy bác sĩ, các thiên sứ, nhũ hương, một dược và vàng, cùng với các chi tiết khác của câu chuyện Giáng Sinh. Thế nhưng, thế gian chưa quen thuộc bao nhiêu với lần đến thứ hai của Chúa.
Trước khi Chúa Jêsus bước lên thập tự giá để chịu chết vì tội lỗi, Ngài muốn các môn đồ Ngài hiểu rõ điều chi sẽ xảy ra khi Ngài trở lại lần thứ hai. Vì vậy, theo một cách nói cụ thể, rõ ràng, Chúa Jêsus nói cho các môn đồ của Ngài, và chúng ta biết những gì sẽ xảy ra khi Ngài tái lâm. Tôi muốn chia sẻ với bạn những điều Chúa đã chia sẻ với họ trong ngày ấy.
Cho phép tôi nói rằng chúng ta cần phải sống theo ánh sáng của sự đến của Ngài, Tít 2:13. Đây là hy vọng cho người tin Chúa và đây là sự rủa sả dành cho người không tin. Vì vậy, rất là quan trọng khi chúng ta có một sự hiểu biết nào đó về các biến cố sẽ xoay quanh sự tái lâm của Ngài.
Chúa Jêsus ra đi với lời hứa Ngài sẽ trở lại, Giăng 14:3; Công Vụ các Sứ Đồ 1:9-11. Nếu Ngài sẽ tái lâm, và Ngài sẽ đến, thì chúng ta cần phải sẵn sàng cho sự đến đó và chúng ta cần phải biết điều chi sẽ diễn ra, để chúng ta có thể cảnh cáo một thế giới bị hư mất phải lo sửa soạn.
Tôi muốn rao giảng về đề tài Sự Tái Lâm Của Đấng Christ hôm nay. Tôi muốn bạn nhìn xem các sự kiện mà Mác tỏ ra về sự tái lâm của Ngài. Tôi muốn bạn nhìn xem Chuỗi sự kiện về sự đến của Ngài; Bối cảnh sự đến của Ngài; và Dấu hiệu về sự đến của Ngài.
I. CHUỖI SỰ KIỆN VỀ SỰ ĐẾN CỦA NGÀI (câu 24a)
+ Kinh thánh cho chúng ta biết rất rõ ràng trong những câu nầy khi chúng ta có thể trông mong sự trở lại của Chúa. Ngài sẽ đến “trong những ngày ấy, sau kỳ đại nạn”.
+ Những ngày Ngài đang đề cập tới được nhận rõ ở các câu 14-23. Chúa Jêsus sẽ tái lâm sau những ngày của Kỳ Đại Nạn. Ngài sẽ tái lâm với đất nầy và Ngài sẽ thiết lập Vương quốc của Ngài “sau những ngày ấy”.
+ Những ngày Chúa vừa mô tả cho chúng ta sẽ không phải là khoảng thời gian bình thường đâu. Chúng sẽ là những ngày của “tai nạn”, câu 19. Từ ngữ ấy có ý nói tới “rối rắm”. Chúa Jêsus phán rằng đấy sẽ là những ngày “hoạn nạn”. Từ ngữ ấy có ý nói tới “rối rắm, khó khăn và buồn rầu”.
Chúng ta đang sống trong những thời khắc đầy bối rối lúc bây giờ, và đã có nhiều thời khắc bối rối trong quá khứ. Nhưng những ngày được nhắc tới trong mấy câu nầy sẽ là những thời điểm đầy dẫy với hỗn loạn và đau khổ đến nỗi khó mà tưởng tượng được. Thực vậy, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng sẽ chẳng có những ngày giống như chúng trước đây, và sẽ chẳng có những ngày giống như chúng sau đó nữa. Kỳ Đại Nạn được mô tả bởi Chúa Jêsus sẽ là khoảng thời gian tệ hại nhất mà thế gian đã từng hay sẽ từng kinh nghiệm.
+ Những ngày được mô tả bởi Chúa Jêsus sẽ bắt đầu vào một thời điểm rất đặc biệt. Câu 14 nói tới “sự tàn nát gớm ghiếc”. Đây là một tham khảo tới Antichrist, nhà cai trị thế giới bị quỉ ám trong tương lai. Hắn sẽ thực thi một hiệp ước hòa bình 7 năm với dân Israel. Họ sẽ tái thiết Đền Thờ của họ trong thành Jerusalem và một lần nữa sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách giữ các thứ của lễ đã được ghi chép trong luật pháp Môise. Nửa đường của thời kỳ 7 năm đó, Antichrist sẽ phá vỡ hiệp ước của hắn với Israel. Hắn sẽ vào trong Nơi Chí Thánh trong Đền Thờ của họ và hắn sẽ tuyên bố rằng hắn là thần và hắn sẽ đòi hỏi được thờ phượng. Hắn sẽ làm cho Đền Thờ ra “gớm ghiếc” hay “báng bổ” Đền Thờ.
Biến cố nầy sẽ đánh dấu phần khởi đầu của Kỳ Đại Nạn. Thời kỳ nầy sẽ kéo dài trong ba năm rưỡi. Đây sẽ là thời điểm chiến tranh với một cấp độ không thể lường được. Đây sẽ là thời kỳ được đánh dấu bằng những trận động đất, đói kém, bịnh tật, và tôn giáo giả, đấng christ giả. Đây sẽ là thời kỳ nghiệt ngã đến nỗi Chúa Jêsus phán: “nếu Chúa chẳng giảm bớt các ngày ấy, thì không có sanh vật nào được cứu”, câu 20.
+ Trong thời kỳ đó, Antichrist sẽ tìm cách giết chết hết thảy người Do thái. Buồn thay, 2/3 người Do thái sinh sống trong thời điểm ấy sẽ ngã chết, Xachari 13:8. Hắn cũng sẽ tìm cách giết hết thảy những ai kêu cầu danh Đức Chúa Jêsus Christ. Đấy là lý do tại sao người ta bị cảnh cáo phải đi trốn ngay tức khắc khi họ nhìn thấy Antichrist bước vào Đền Thờ, các câu 14-18. Cuộc tàn sát trong những ngày ấy sẽ ở vào một cấp độ mà không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được.
Theo lời tiên tri trong Kinh thánh, hơn phân nửa cư dân của thế gian sẽ ngã chết trong những ngày của Kỳ Đại Nạn. Con số ấy sẽ là bao nhiêu chứ! Nếu lấy theo dân số của thế giới hôm nay, con số ấy sẽ hơn 3 tỉ người!
+ Đấy là những ngày được mô tả bởi Chúa Jêsus. Khi những ngày ấy xong rồi, Ngài sẽ hiện đến.
I. Chuổi sự kiện trong sự đến của Ngài
II. BỐI CẢNH CHO SỰ ĐẾN CỦA NGÀI (các câu 24b-25)
+ Thật là ngạc nhiên khi nhìn thấy cách Chúa đề ra bồi cảnh cho sự tái lâm của Ngài. Những nhà cai trị trên đất công bố sự đến của họ với những cuộc diễu binh, phô trương rực rỡ và nghi thức. Họ thổi kèn lên và thể hiện dáng dấp bên ngoài của họ với đủ thứ trau chuốt.
Đức Chúa Jêsus Christ sẽ đề ra bối cảnh cho sự tái lâm của Ngài bằng cách tỏ ra uy quyền của Ngài trên vũ trụ. Khi Chúa Jêsus trở lại, mọi loài thọ tạo đều phải hướng vào đấy.
+ Để hiểu rõ ràng mọi sự Chúa Jêsus đã phán sẽ xảy ra, chúng ta cũng cần phải nhìn vào những điều được ghi lại bởi Mathiơ và Luca.
+ Đây là những gì Mác nói: “...mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng chẳng chiếu sáng nữa, các ngôi sao sẽ tự trên trời rớt xuống, và thế lực các từng trời sẽ rúng động” Mác 13:24-25.
+ Đây là những gì Mathiơ nói: “…mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động” Mathiơ 24:29.
+ Đây là những gì Luca nói: “Sẽ có các điềm lạ trong mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao; còn dưới đất, dân các nước sầu não rối loạn vì biển nổi tiếng om sòm và sóng đào. Người ta nhân trong khi đợi việc hung dữ xảy ra cho thế gian, thì thất kinh mất vía, vì các thế lực trên trời sẽ rúng động” Luca 21:25-26.
+ Chúng ta hãy dành một phút để phân tích kỹ mấy câu nầy. Tất cả ba tác giả nầy đều nói cho chúng ta biết rằng sẽ có những “điềm lạ” ở trên trời. Mặt trời không chiếu sáng nữa. Hãy tưởng tượng mọi hàm ý của sự ấy xem! Con người không thể sống nếu không có ánh sáng của mặt trời. Nhiệt độ sẽ hạ thấp trầm trọng. Đất sẽ chìm trong tối tăm hoàn toàn.
Trong bóng tối tăm ấy, ngay cả mặt trăng cũng chẳng chiếu sáng. Nó không thể chiếu sáng vì nó phản ảnh ánh sáng mà mặt trời tỏa ra.
Các ngôi sao không còn thăng bằng nữa trên các từng trời sẽ sa xuống khỏi chỗ của chúng. Các thiên thể trên trời trung kiên trong chuyển động của chúng đến nỗi vị trí của chúng trong bầu trời có thể được tính toán với sự chính xác từng phút một hàng ngàn năm qua, sẽ loạng choạng qua vũ trụ. Các từng trời trên cao kia sẽ là một bối cảnh tuyệt đối hỗn loạn khi các hành tinh và những ngôi sao rời khỏi quỹ đạo của chúng rồi trôi qua không gian với chẳng một định hướng nào hết.
Luca nói cho chúng ta biết ngay cả địa cầu cũng bị tác động. Những cơn thủy triều không còn được báo trước nữa và những cơn sóng thần sẽ quét phủ trên cả đất.
+ Những câu nầy mô tả một bối cảnh hỗn loạn ồn ào khi vũ trụ ngã vào trong sự hỗn loạn. Bối cảnh nầy được mô tả ở Khải huyền 6:12-14 và ở Êsai 13:6-16.
Một tác giả mô tả những điều sẽ xảy ra trên đất nếu một thiên thể nào đó trên trời di động gần đủ với địa cầu khiến cho nó phải nghiêng trục của nó khoảng 1 inch. “Ngay giờ phút ấy, một trận động đất sẽ làm cho địa cầu rung lên. Không khí và nước sẽ chuyển động theo quán tính. Nhiều cơn lốc xoáy sẽ quét qua địa cầu và các đại dương sẽ ùa lên những đại lục mang theo cát sỏi cùng những sinh vật biển và quăng chúng trên đất. Hơi nóng sẽ dậy lên. Đá sẽ tan chảy ra. Núi lửa sẽ phun trào. Dung nham sẽ chảy ra từ các khe nứt trên mặt đất và tỏa khắp các khu vực rộng lớn. Nhiều ngọn núi sẽ mọc lên từ đồng bằng rồi trôi đi, và chèn lên các ngọn núi khác tạo ra thêm nhiều đường nứt nữa. Các hồ sẽ bị tròng trành rồi trống trơn. Nhiều dòng sông thay đổi dòng chảy của chúng. Các khu vực đất rộng lớn với mọi dân cư của chúng sẽ trượt xuống dưới đại dương. Nhiều khu rừng sẽ bốc cháy, lốc xoáy và đại dương sẽ đưa chúng ra khỏi chỗ đất mà chúng mọc lên rồi chất nhánh và rễ của chúng thành những đống khỗng lồ. Các đại dương sẽ biến thành sa mạc. Nước của chúng sẽ bay mất đi”.
+ Luca 21:26 chép: “Người ta nhân trong khi đợi việc hung dữ xảy ra cho thế gian, thì thất kinh mất vía, vì các thế lực trên trời sẽ rúng động”. Câu nầy có ý nói rằng các biến cố trong những ngày ấy sẽ rất khủng khiếp, kinh hãi đến nỗi người ta sẽ thất kinh khi họ nhìn thấy các việc nầy xảy ra. Cụm từ “thất kinh mất vía” cụ thể có ý nói rằng họ sẽ “thở hắt hơi”. Nói khác đi, họ sẽ chết mất. Hàng triệu người sẽ nhìn thấy các biến cố ở trên trời, những điều trông thấy rõ ràng bằng mắt thường vì mặt trời sẽ không chiếu sáng nữa, và họ sẽ ngã chết trong kinh khiếp. Bạn không muốn có mặt ở đây trong cái ngày khủng khiếp ấy!
+ Điều chi gây ra mọi sự lộn xộn nầy trong vũ trụ? Phân đoạn Kinh thánh của chúng ta cho biết: “thế lực các từng trời sẽ rúng động”. Cụm từ “thế lực” có ý đề cập tới “ảnh hưởng hay kiểm soát”. Trong Hêbơrơ 1:3, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus “lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật”. Chúa Jêsus đã dựng nên vũ trụ nầy và Ngài nâng đỡ hết thảy. Ngài kiểm soát chuyển động của từng hành tinh, từng ngôi sao và từng mảy bụi trong vũ trụ. Không một cái nào chuyển đi đâu đó mà không có phép của Ngài. Đấy là lý do tại sao những dịch chuyển của các hành tinh cùng những ngôi sao có thể được tính toán với độ chính xác như thế. Trong ngày đó, Chúa Jêsus sẽ cất bàn tay kiểm soát của Ngài ra khỏi vũ trụ. Ngài sẽ khiến cho nó lảo đảo không còn điều khiển được nữa khi Ngài sắp đặt bối cảnh cho sự tái lâm của Ngài trên đất.
I. Chuổi sự kiện trong sự đến của Ngài
II. Bối cảnh cho sự đến của ngài
III. DẤU HIỆU SỰ TÁI LÂM CỦA NGÀI (các câu 26-27)
Mathiơ 24:30 ghi lại lời lẽ của Chúa như sau: “Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời...”. Nếu bạn còn nhớ, toàn bộ bài giảng nầy nói tới các biến cố trong kỳ tận thế đã đến là do một câu hỏi từ các môn đồ của Chúa ở câu 3. Chúa Jêsus đã nói cho họ biết Đền Thờ sẽ bị hủy diệt, câu 2, và họ muốn biết lúc nào thì điều nầy sẽ xảy ra, câu 3.
Họ mong rằng sự ấy mau xảy đến. Họ tin Chúa Jêsus đã ở vào thời điểm dựng lên vương quốc của Ngài. Rốt lại, Ngài đã thanh tẩy Đền Thờ, Mác 11:15-19. Ngài cũng đã tỏ ra sự bội đạo, Mác 11:27-12:44. Họ không hiểu nổi, trong khi Đền Thờ bị hủy diệt chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, phần còn lại của lời tiên tri của Chúa sẽ không ứng nghiệm cho tới hàng ngàn năm sau.
Họ muốn biết “điềm” chỉ về sự đến của Ngài. Ở các câu 5-25, Ngài đã cung ứng cho họ một danh sách các dấu lạ tổng quát không nói trước khi Chúa Jêsus hiện đến, nhưng chúng dạy cho chúng ta biết rằng thế gian sẽ ra sao khi Ngài hiện đến.
Vì vậy, các biến cố trong Kỳ Đại Nạn sẽ xảy ra. Chúa sẽ lột bỏ mặt trời và mặt trăng. Một bối cảnh kinh khiếp triển khai ở trên trời khi các hành tinh, ngôi sao và các thiên thể khác rơi vào tình trạng hỗn loạn trong vũ trụ. Khi ấy, chúng ta mới có “điềm” chỉ về sự đến của Ngài.
Đâu là “điềm” đó? Các giáo phụ của Hội thánh đầu tiên tin rằng sau khi các từng trời trở tối tăm, Chúa sẽ điền vào bầu trời tối tăm ấy với một thập tự giá đỏ rực. Kinh thánh không nói chi về điều ấy. Các nhà thần học khác đều tin rằng các từng trời sẽ đầy dẫy với sự vinh hiển “Shekinah” của Đức Chúa Trời. Họ tin rằng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ chiếu sáng các từng trời. Nói như thế thì gần với lẽ thật hơn.
Vậy thì, đâu là “điềm”? Ấy chẳng phải là một cây thập tự đâu. Ấy chẳng phải là một thứ ánh sáng nào do Đức Chúa Trời sai đến. “Điềm” là sự xuất hiện của chính mình Đức Chúa Jêsus Christ trên các đám mây bên trên địa cầu. Với điều đó trong trí, chúng ta hãy dành một phút để xem xét Chúa Jêsus sẽ đến như thế nào và sự đến của Ngài sẽ giống với điều gì!
A. Ngài sẽ đến với sự huy hoàng – Câu 26 chép rằng Ngài “lấy đại quyền đại vinh ngự đến trên đám mây”. Khi Chúa Jêsus tái lâm, Ngài sẽ hiện ra trong sự vinh hiển đương nhiên của Ngài.
Thế gian đã có cái nhìn thoáng qua sự vinh hiển ấy trước đây. Ở Mathiơ 17, Phierơ, Giacơ và Giăng đã nhìn thấy một thoáng về sự vinh hiển đó. Ađam đã có được cái nhìn thoáng qua sự vinh hiển của Ngài khi họ đồng đi với nhau vào buổi chiều trong Vườn Êđen. Israel có cái nhìn thoáng qua sự vinh hiển ấy khi sự vinh hiển Shekinah của Đức Chúa Trời ngự giữa hai cánh chêrubin trong Đền Tạm và Đền Thờ. Họ đã nhìn thấy sự vinh hiển đó khi nó dẫn họ như một trụ lửa ban đêm và trụ mây ban ngày. Họ cũng đã nhìn thấy sự vinh hiển ấy khi nó rời đi khỏi thế gian nầy.
Khi Chúa Jêsus hiện ra, Ngài sẽ hiện ra trên các đám mây vinh hiển. Ý tưởng nầy của Chúa Jêsus ở trong các đám mây đã có trong Lời của Đức Chúa Trời.
Khi Chúa Jêsus thăng thiên về trời, Công Vụ các Sứ Đồ 1:9-11 cho chúng ta biết rằng “có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa”. Các thiên sứ đứng ở đó nói cho các môn đồ biết rằng Chúa Jêsus “cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy”, câu 11. Đaniên 7:13 cho chúng ta biết rằng Ngài sẽ “đến với những đám mây trên trời”. Giăng nói rằng Ngài sẽ đến với các đám mây, Khải huyền 1:7. Mác, Mathiơ và Luca hết thảy đều nói cùng một việc. Chúa Jêsus sẽ đến trên các đám mây khi Ngài trở lại với thế gian nầy.
Đâu là mục tiêu? Phải, Kinh thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời của chúng ta đang cỡi trên các đám mây, Thi thiên 104:3 chép Ngài “dùng mây làm xe Ngài”. Êsai 19:1 chép rằng “Đức Giêhôva cỡi đám mây”. Khải huyền 1:7 chép: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây”. Cá nhân tôi tin rằng đây là những đám mây rất đặc biệt. Những đám mây vinh hiển, nếu bạn muốn. Chúng là những đám mây sáng láng lôi kéo sự chú ý của hết thảy những ai nhìn thấy chúng.
Giờ đây, tôi muốn bạn mở ra ở Xachari 14:6-7. Vị tiên tri cho chúng ta biết ngày của Đức Giêhôva đến sẽ là một ngày rất lạ lùng. Ngày ấy chẳng phải là ban ngày cũng chẳng phải là ban đêm. Làm sao điều nầy khả thi được chứ? Phải, không có mặt trời, mặt trăng hay các vì sao, sẽ chẳng có cách gì phân biệt ngày hay đêm. Trong sự tăm tối hoàn toàn nầy, Chúa Jêsus sẽ hiện ra cỡi trên các đám mây vinh hiển. Ngài sẽ hiện ra trên các từng trời và cả thế gian sẽ nhìn thấy Ngài, Khải huyền 1:7. Ngài sẽ có mặt quanh địa cầu và từng cư dân trên đất sẽ nhìn thấy sự vinh hiển của Ngài!
(Minh họa: Đấy sẽ là một việc đáng để xem, có phải không? Phải, nếu bạn bị hư mất và bạn nhìn thấy sự ấy, nó dóng lên số phận của bạn đấy. Nếu bạn chưa qua đời vì đột biến tim, bạn sẽ bị hủy diệt bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Khải huyền 19:15. Nếu bạn được cứu trong Kỳ Đại Nạn, bạn sẽ vui mừng trong sự hiện ra của Ngài.
Còn chúng ta thì sao, chúng ta sẽ nhìn thấy sự ấy chứ? Không phải từ đất đâu, và đây là lý do tại sao! Trong Kỳ Đại Nạn, chúng ta sẽ ở với Ngài. Ngài sẽ cất Hội thánh của Ngài ra khỏi thế gian nầy trước Kỳ Đại Nạn, I Têsalônica 1:10; Khải huyền 3:10. Chúng ta sẽ ở với Chúa vui hưởng Tiệc Cưới Chiên Con, Khải huyền 19:1-9.
Vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy sự ấy chứ? Đúng, nhưng chúng ta sẽ nhìn thấy sự ấy từ điểm thuận lợi của Thiên đàng! Hãy xem ở Côlôse 3:4. Bạn có thấy chưa? Khi Chúa Jêsus đến, chúng ta sẽ đến với Ngài. Khi Ngài cỡi mây, chúng ta sẽ cỡi mây với Ngài. Khi Ngài tái lâm trong sự vinh hiển, các thánh đồ của Ngài sẽ trở lại trong sự vinh hiển với Ngài. Khải huyền 19:14 chép rằng chúng ta sẽ được mặc lấy “vải gai mịn, trắng và sạch”. Đừng lo về việc phải có cửa hiệu bán quần áo mà chi. Nếu bạn được cứu, áo xống của bạn đã sẵn có cho bạn trong sự vinh hiển! Vì vậy, Ngài lấy đại quyền đại vinh mà đến).
B. Ngài sẽ đến với sức mạnh – Mác nói Ngài sẽ đến với “đại quyền”. Từ ngữ “quyền” có ý tưởng nói tới “sức mạnh”. Khi Chúa Jêsus đến, Ngài sẽ đến với “sức mạnh”. Không một quyền lực nào trên đất có thể chống cự được Ngài. Khi Ngài đến, Ngài sẽ đến với phần thể hiện sức mạnh của Ngài trên các từng trời và bên dưới đất.
Sức mạnh của Ngài sẽ được thể hiện trong những sự hỗn loạn của các từng trời. Sức mạnh ấy sẽ được thể hiện trong chỗ tối tăm vây quanh địa cầu. Sức mạnh ấy sẽ được thể hiện trong các đám mây vinh hiển mà Ngài đang cỡi trên đó. Sức mạnh ấy sẽ được thể hiện ra trong sự thực Ngài có quyền đánh bại mọi kẻ thù của Ngài với chỉ Lời của Ngài mà thôi, Khải huyền 19:11-16. Đấy là sức mạnh!
Khi chơn của Ngài chạm đến đất, chúng cũng sẽ chạm đến Núi Ôlive. Chính địa điểm mà Ngài đã ban ra lời tiên tri mà chúng ta hiện đang nghiên cứu đây. Chính địa điểm mà Ngài đã thăng thiên từ đó. Khi chơn của Ngài chạm đến đỉnh của ngọn núi ấy, nó sẽ bị tách ra làm hai, từ đỉnh đến chân núi, Xachari 14:3-4. Đấy là sức mạnh! Khi hòn núi tách ra làm hai, Địa Trung Hải sẽ tràn vào đồng trũng quanh Biển Chết, Xachari 14:8. Điều nầy sẽ khiến cho “sa mạc trổ hoa, như bông hường” y như Êsai đã nói vậy, Êsai 35:1. Đấy là sức mạnh!
Tôi không biết về bạn, nhưng tôi muốn có mặt ở bên tay hữu của quyền lực đó. Cách duy nhứt để ở bên tay hữu của quyền lực đó là phải ở trong mối quan hệ đức tin với Đức Chúa Jêsus Christ. Tại sao ư? Chúng ta đã được “cứu khỏi cơn thạnh nộ”, Rôma 5:9.
C. Ngài sẽ đến với ơn cứu rỗi – Mác cho chúng ta biết rằng, khi Chúa Jêsus đến, Ngài sẽ sai các sứ của Ngài đi khắp thế gian để “nhóm những kẻ được chọn” của Ngài. Số dân sót của Israel sẽ được cứu trong ngày ấy và họ sấp mình xuống nơi bàn chơn có dấu đinh của Đấng Mêsi. Các dân Ngoại nào được cứu qua sự rao giảng của 144.000 giáo sĩ và thiên sứ của Khải huyền 14:6, sẽ được nhóm lại và sẽ được đưa vào trong sự hiện diện của Chúa.
Ngôn ngữ của câu nầy cho thấy rõ rằng không một ai bị để lại. Từng thánh đồ một sẽ được đưa đến với Chúa Jêsus và họ sẽ đứng trước mặt Ngài, được chuộc và mừng rỡ!
(Lưu ý: Không phải mọi người đều mừng rỡ khi Chúa Jêsus tái lâm đâu. Mathiơ 24:30 chép: “mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực”. Như chúng ta đã thấy rồi, nhiều người sẽ thất kinh ngã chết khi Chúa Jêsus hiện đến. Nhiều người khác sẽ cầu xin núi ngã đè trên họ hầu che giấu họ tránh mặt Ngài, Khải huyền 6:15-17. Tuy nhiên, họ sẽ không ăn năn và họ sẽ không vòng tay ôm lấy Chúa bởi đức tin. Vì thế, sự tái lâm của Ngài sẽ là thời điểm buồn rầu dành cho họ và họ sẽ bị hủy diệt bởi sức mạnh của Ngài. Vì thế, các dân Ngoại sẽ “đấm ngực”.
Người Do thái cũng sẽ “than khóc” khi Chúa Jêsus tái lâm. Xachari 12:10 chép: “Ta sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đa-vít, và trên dân cư Giê-ru-sa-lem; chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng, như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng”. Sau cùng, người Do thái sẽ nhìn thấy Chúa Jêsus vì Ngài là ai và họ sẽ đến với Ngài bởi đức tin. Khi ấy, Xachari 13:1 chép: “Trong ngày đó sẽ có một suối mở ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, vì tội lỗi và sự ô uế”. Khi họ tin theo Ngài, như Rôma 11:26 chép: “vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu”. Một ngày như thế là một ngày đáng phải có!
Phần kết luận: Đấy là cách Chúa Jêsus mô tả sự tái lâm của Ngài. Tôi nhận ra rằng lời tiên tri nầy có thể là phức tạp lắm và có thể dễ nhầm lẫn. Vì vậy, tôi muốn đơn giản hóa những gì chúng ta đã tiếp thu hôm nay. Tôi muốn bạn để lại đây sự hiểu biết những điều bạn nên biết về sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ. Còn đây là những điều bạn cần phải biết:
+ Chúa Jêsus sẽ tái lâm – Giăng 14:3; Công Vụ các Sứ Đồ 1:9-11.
+ Ngài sẽ đến để đem những người được cứu về Thiên đàng trong Sự Cất Lên – I Têsalônica 4:16-18.
+ Mọi người bị để lại đàng sau sẽ bước vào Kỳ Đại Nạn. Đây sẽ là thời kỳ kinh khiếp đau khổ nhất mà thế gian sẽ từng nhìn biết. Bạn không muốn có mặt ở đây để gánh chịu thời kỳ ấy đâu.
+ Ở cuối Kỳ Đại Nạn, Đức Chúa Jêsus Christ sẽ trở lại với thế gian nầy. Mọi sự định liệu trong ngày ấy là bạn sẽ ở đâu kìa. Liệu bạn sẽ nhìn lên khi Ngài hiện đến, hay bạn sẽ nhìn xuống? Liệu bạn sẽ nhìn thấy Ngài hiện đến, hay có phải bạn sẽ đến với Ngài? Tôi rất vui sướng vì tôi có mọi sự đã được định liệu hầu cho tôi có thể đến với Ngài. Ở đâu đó trên thiên đàng, tôi có một cái áo xống màu trắng và một con ngựa bạch, và khi Ngài đến, tôi sẽ đến với Ngài.
+ Còn bạn thì sao? Nếu bạn chưa hề tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ cho sự cứu rỗi linh hồn bạn, bạn đang tham dự một trò chơi nguy hiểm đấy. Bạn đang đùa với linh hồn của bạn đó. Bạn cần phải đến với Chúa Jêsus ngay hôm nay, cầu xin Ngài tha thứ cho bạn về tội lỗi của bạn và cứu lấy linh hồn bạn. Tôi nguyện rằng bạn sẽ làm điều đó.
+ Tôi cũng cầu xin rằng chúng ta, những người đã được cứu sẽ mang gánh nặng về những ai chưa được cứu. Tôi nguyện rằng chúng ta sẽ cầu thay cho họ để họ sẽ được cứu ra khỏi cơn thạnh nộ hầu đến.
+ Nếu Chúa đã phán với tấm lòng bạn, bạn cần phải đến theo như Ngài dẫn dắt bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét