Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

DAVID & MANASE:



DAVID & MANASE:
THẮNG HƠN THẤT BẠI
Trải qua nhiều năm tháng, tôi đã học biết rằng Đức Chúa Trời có nhiều cách để biến chúng ta thành hạng người mà chúng ta phải trở thành. Song, dường như phương pháp mà Ngài vốn ưa thích là phải qua sự đối kháng. Càng đối kháng chừng nào, thì sự tấn tới càng cao hơn. Những gì chúng ta nhìn thấy là ngăn trở cho sự thành tựu, Đức Chúa Trời nhìn thấy là cơ hội cho sự lớn lên. Thất vọng, mất mát, chỉ trích phê bình, thất bại, sỉ nhục, thử thách, ngã lòng, cô độc, và xuống tinh thần trở thành những phương tiện bởi đó chúng ta lớn lên mạnh mẽ nếu chúng ta được “đào tạo” bởi các sức mạnh nầy, như tác giả thơ Hêbơrơ đã nói (Hêbơrơ 12.11).
Quyển sách nhỏ nầy chủ yếu nói về sự thắng hơn thất bại. Chúng ta sẽ xem xét hai nhân vật trong Cựu Ước, David và Manase, họ đã thất bại rất đáng thương, và nhìn thấy thể nào Đức Chúa Trời đã sử dụng sự thất bại của họ để khiến cho họ được mạnh mẽ. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng Đức Chúa Trời chẳng bỏ một điều gì trong đời sống của chúng ta – thậm chí cả tội lỗi nữa.
David Roper
MANASE:
Thắng hơn sự khởi đầu tồi tệ.
Lúc bấy giờ là ngày đầu năm của năm 1929. Trường Đại Học California tại Berkeley đang thi đấu với trường Kỹ thuật Georgia ở Rose Bowl. Roy Riegels, cầu thủ hậu vệ của Cali chơi lùi ở phía sau nhìn thấy một cầu thủ của đội bạn chạy ngang sân, quay trở lại, rồi chạy thẳng 60 m theo một hướng không đúng – thẳng vào lằn goal của đội Cali. Một trong những cầu thủ đã cản chân Riegels ngay trước khi anh ta ghi điểm cho trường kỹ thuật Gerogia. Ở hiệp kế đó, trường kỹ thuật Georgia khóa được cú đá cầu vồng và ghi điểm.
Từ ngày đó trở đi, Riegels bị liệt vào danh hiệu “Riegels chuyển hướng trật lất”. Trong nhiều năm sau đó, bất cứ lúc nào người ta nói tới anh, họ sẽ hô vang: “Ồ, tôi biết anh ta là ai rồi. Anh là gã chuyển hướng trật lất ở Rose Bowl”.
Có thể sự thất bại của chúng ta không đến nỗi đáng chú ý như thất bại của Riegels, nhưng chúng ta có những lộ trình quá chằng chịt và những chuyển hướng sai lầm. Và chúng ta có những ký ức kèm theo đó – những điều phát sinh dấy lên để chế nhạo và ám ảnh chúng ta vào lúc 3 giờ sáng. Vì thế có nhiều điều trong quá khứ mà chúng ta chẳng muốn thực hiện hay làm lại – có nhiều điều chúng ta mong được quên phứt đi cho xong. Nếu chúng ta chịu bắt đầu lại.
Louis Fletcher Tarkington đã viết cho hết thảy chúng ta khi bà đăm chiêu:
Tôi ước rằng có một chốn diệu kỳ nào đó được gọi là vùng Đất Bắt Đầu Lại, ở đó mọi sai trái, mọi chứng đau đầu, mọi nổi buồn ích kỷ nghèo nàn của chúng ta có thể rơi rụng xuống giống như một chiếc áo choàng cũ kỹ treo nơi cửa, và không bao giờ được mặc lại.
Có một chốn như thế đấy! Có thể tìm gặp nơi ấy trong ân điển của Đức Chúa Trời – một thứ ơn không những tha thứ hoàn toàn quá khứ của chúng ta và nó bị gạt bỏ đi, mà còn sử dụng nó để khiến cho chúng ta ra tốt hơn trước đó. Augustine viết: “Ngay cả từ trong tội lỗi, Đức Chúa Trời đã rút ra được điều tốt lành”.
MANASE: CƠ NGHIỆP TIN KÍNH
Manase là con trai của Êxêchia, một trong vài vì vua xứ Giuđa “đã làm điều thiện trước mặt Đức Giêhôva” (II Các Vua 18.3). Nhà chép sử của Israel cho chúng ta biết: “Người phá hủy các nơi cao, đập bể những trụ thờ, đánh hạ các A-sê-ra, và bẻ gãy con rắn đồng mà Môi-se đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Y-sơ-ra-ên xông hương cho nó người ta gọi hình rắn ấy là Nê-hu-tan. Ê-xê-chia nhờ cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; nên trong các vua sau người, hoặc trong những vua trước người, chẳng có một ai giống như người. Người tríu mến Đức Giê-hô-va, không xây bỏ Ngài, song gìn giữ các điều răn mà Đức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se”.
Êxêchia vốn chịu trách nhiệm về một cơn phấn hưng thuộc linh trong lịch sử đã làm cho xứ Giuđa thấy mình được trẻ lại. Ông đã vứt bỏ mọi hình tượng của cha mình là Acha, đã thờ lạy, và ông đã giải phóng dân sự mình ra khỏi tình trạng bội đạo. Ông đã góp công rất lớn trong công tác cải cách qua những chức vụ tiên tri của Êsai và Michê.
Con trai của Êxêchia là Manase đã lên ngôi khi ông mới 12 tuổi và đã trị vì trong 10 năm như đồng nhiếp chính với cha mình. Khi ông được 22 tuổi, cha ông qua đời và nhà vua trẻ tuổi đã nắm lấy quyền kiểm soát chính phủ. Ông đã trị vì 55 năm – từ năm 697 cho đến 642TC – sự trị vì lâu dài nhất trong lịch sử của cả Giuđa và Israel.
Manase đã được phước với một người cha tin kính. Ông đã sống qua một thời kỳ đầy sức sống và thịnh vượng. Ông đã được các tiên tri Êsai và Michê dạy dỗ. Và ông đã nhìn thấy Chúa giải phóng Israel cách lạ lùng trong khi bị quân Asiri bao vây (II Các Vua 19.35). Tuy nhiên, ông đã không noi theo các dấu chơn của cha ông.
THẤT BẠI TRONG CHỨC NĂNG LÃNH ĐẠO CỦA MANASE
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Manase “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va và theo sự thờ phượng gớm ghiếc của các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên” (II Các Vua 21.2).
“Các dân tộc” mà tác giả đề cập tới đều là dân Canaan hủ bại, đội lốt giả vờ. Manase đã vượt hơn họ trong cơn mê loạn điên cuồng phá vở từng luật lệ – một sự dại dột đã được chỉ ra qua những câu sau đây: “Người sửa xây lại các nơi cao mà Ê-xê-chia, cha người phá hủy, lập bàn thờ cho Ba-anh, dựng hình tượng A-sê-ra giống như của A-háp, vua Y-sơ-ra-ên, đã làm, cúng thờ toàn cơ binh trên trời và hầu việc nó. Người cũng lập bàn thờ trong đền của Đức Giê-hô-va, mà Đức Giê-hô-va có phán về đền thờ rằng: Ấy tại nơi Giê-ru-sa-lem ta để danh ta ngự. Người xây những bàn thờ cho toàn cơ binh trên trời, tại nơi hai hành lang về đền thờ của Đức Giê-hô-va. Người đưa con trai mình qua lửa, tập tành phép thiên văn và việc bói điềm; lập lên những đồng cốt và thầy bói. Người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va quá chừng, chọc giận Ngài hoài. Còn hình tượng A-sê-ra mà người đã làm, thì người dựng trong đền thờ mà Đức Giê-hô-va có phán với Đa-vít và Sa-lô-môn, con trai người, rằng: Ấy trong đền này và trong Giê-ru-sa-lem, thành ta đã chọn trong các chi phái Y-sơ-ra-ên, mà ta sẽ đặt danh ta ngự đời đời … Nhưng chúng nó không nghe; chúng nó bị Ma-na-se quyến dụ làm gian ác hơn các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã tuyệt diệt khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên” (II Các Vua 21.3-7, 9).
Các tội lỗi của Manase đã được kể ra ở đây theo một trình tự lầm lạc càng lên cao dần. Trước tiên, ông ta “sửa xây lại các nơi cao mà Ê-xê-chia, cha người phá hủy”. Acha, là ông nội của Manase, đã dựng lên “các nơi cao” – các lùm cây trên đỉnh những ngọn núi mà người ta thờ lạy thần Asêra. Êxêchia đã đánh hạ chúng (II Các Vua 18.4). Manase dựng chúng trở lại.
Kế đó, Manase “lập bàn thờ cho Ba-anh”, tà thần chính của người Canaan, rồi dựng hình tượng Asêra giống như Aháp và Giêsabên, bộ đôi gian ác của Israel, đã làm (I Các Vua 16.33). Tượng Asêra là ảnh tượng của một nữ thần, vợ của thần Baanh, tiêu biểu cho nữ thần tình dục và sanh sản của người Canaan. Mấy cây cột được dựng lên tôn vinh nữ thần nầy rõ ràng là một loại hình tiêu biểu cho hình tượng dương vật.
Manase đã thờ lạy toàn cơ binh trên trời và hầu việc chúng. Ông ta đã thực hành phép thiên văn và bói điềm, dâng sự tôn kính của mình cho mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, cùng những ngôi sao (cũng xem Giêrêmi 8.2; 19.13). Ông ta đã dựng lên nhiều bàn thờ cho các tà thần trong đền thờ tại thành Jerusalem, là nơi Đức Chúa Trời có phán: “Ta sẽ đặt danh ta”.
Ông ta đã đưa các con trai mình qua lửa – trẻ sơ sinh làm của tế lễ. Theo nhà chép sử, “người đưa con cái mình qua lửa, tại trong trũng con Hi-nôm”. Và “người xem bói; ếm chú, dùng pháp thuật, ham theo những kẻ cầu vong và thầy phù thủy” (II Sử ký 33.6). Bản Kinh Thánh Hêbơrơ cho rằng ông ta đã cầu hỏi họ rất nhiều, ông ta đã “bổ nhiệm” họ. Nói cách khác, ông ta đã dành cho họ những bổ nhiệm trong triều đình và đặt họ trong văn phòng làm việc của ông ta.
Nếu điều nầy vẫn chưa đủ, vị vua trụy lạc nầy khi ấy lấy “hình tượng A-sê-ra mà người đã làm, thì người dựng trong đền thờ”. Ông ta đã lấy những hình thái khiêu dâm trước đây, những thứ bẩn thỉu và tục tỉu, rồi đem dựng lên tại Nơi Chí Thánh trong đền thờ của Chúa.
Chẳng còn một chỗ nào sáng sủa dành cho sự thờ lạy Đức Giêhôva. Manase đã chọn các tà thần của mình từ những nền văn hóa ở chung quanh Israel – từ dân Amôrít, dân Canaan, dân Philitin, dân Phênixi – nhưng chẳng có một tham khảo nào về Đức Chúa Trời là Đấng đã tỏ chính mình Ngài ra cho dân Israel.
Nhà chép sử kết thúc: “Ma-na-se quyến dụ [Israel] làm gian ác hơn các dân tộc mà Đức Giê-hô-va đã tuyệt diệt khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên”.
Hãy hiểu rõ những gì đã được ghi ra ở đây: một mình Manase gánh lấy trách nhiệm làm cho cả dân tộc đi xuống. Đúng là một di sản đã để lại sau lưng.
Bấy nhiêu vẫn chưa phải là hết đâu! Có một ghi chú còn kinh khủng hơn với mọi hàm ý của nó:
“Ma-na-se cũng đổ nhiều huyết vô tội ra, đến đỗi Giê-ru-sa-lem bị ngập từ đầu này đến đầu kia. Lại phụ thêm những tội lỗi người phạm gây cho Giu-đa phạm tội nữa, và làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (II Các Vua 21.16).
Manase đã làm cho các vị tiên tri phải câm nín đến giận dữ kinh hoàng. Josephus, sử gia Do thái, ghi lại rằng Manase “đã giết tất cả những người công bình nào hiện hữu giữa vòng dân Hêbơrơ, ông ta cũng không tha các vị tiên tri, mỗi ngày ông ta giết một số người trong họ cho tới khi huyết tràn ngập thành Jerusalem”.
Có một truyền khẩu lâu đời được ghi lại trong kinh Tamud, rằng Manase nhét vị thầy già nua của mình là Êsai vào một khúc gỗ rồi cưa nó ra làm hai. Chắc chắn đây là lai lịch của câu nói trong sách Hêbơrơ chép lại ít nhất một trong các anh hùng của Đức Chúa Trời đã bị “cưa xẻ” (Hêbơrơ 11.37).
PHẦN CÒN LẠI CỦA CÂU CHUYỆN
“Các chuyện khác của Ma-na-se, những công việc người, và tội người đã phạm, đều chép trong sử ký về các vua Giu-đa. Ma-na-se an giấc với tổ phụ người, được chôn trong vườn của đền người, tức trong vườn U-xa, A-môn, con trai người, cai trị thế cho người” (II Các Vua 21.17-18).
Đây là một việc rất kỳ quặc. Manase đã miệt thị Đức Chúa Trời trong 55 năm, đem thân mình xã láng trong từng thứ tư dục, sống đồi bại và làm suy sụp cả một dân tộc, và Đức Chúa Trời ngồi ở trên bàn tay của ông ta.
Có thực như thế không?
Thường thì chúng ta nhìn xem Đức Chúa Trời ở một mặt mà thôi – sự nhịn nhục lâu dài của Ngài: “Dầu vậy, Đức Giê-hô-va còn chờ đợi để làm ơn cho các ngươi” (Êsai 30.18). Nhưng còn có một mặt khác nữa: “công việc xét đoán lạ lùng” của Ngài.
Toàn bộ câu chuyện không được thuật hết trong sách Các Vua đâu. Mục đích của I & II Các Vua là lần theo sự sa bại của Israel và Giuđa đến cuộc phu tù Babylôn rồi cung ứng lý do cho cuộc phu tù đó. Các câu chuyện nhất thiết đã được tóm gọn lại. Tác giả chỉ neo vào các sự kiện góp phần vào đề tài của mình. Câu chuyện nói tới sự trị vì của Manase đã được tiếp tục và bổ sung thêm ở II Sử ký 33. Mục đích của nhà chép sử thì có khác. Chủ đề của ông là sự hồi phục ngai vàng của David. Vì mục đích nầy, tác giả đã chọn những sự kiện góp phần vào chủ đề đó và gồm những sự kiện đã bị bỏ sót trong sách Các Vua.
Chín câu đầu tiên của II Sử ký 33 cơ bản là phần sao lại II Các Vua 21.1-9 với một số thay đổi nhỏ. Thế rồi câu chuyện nổi bật lên:
“Đức Giê-hô-va phán bảo Ma-na-se và dân sự người; song chúng không chủ ý đến” (II Sử ký 33.10).
Sự phán xét của Đức Chúa Trời không rơi theo triền dốc. Không hề như vậy. Nhà thần học John Piper phát biểu như sau: “Cơn giận (của Đức Chúa Trời) đã được tuôn ra rất cứng rắn, nhưng ơn thương xót của Ngài còn nhanh hơn”. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài cứ để chúng ta đi. Ngài theo đuổi chúng ta – thậm chí trong tội lỗi của chúng ta – rồi nài nĩ chúng ta quay trở lại.
Một câu phương ngôn của người Thỗ Nhĩ Kỳ nói rằng Đức Chúa Trời có “đôi chân bằng len và hai bàn tay bằng thép”. Chúng ta không hay Ngài đến, nhưng khi Ngài tra tay Ngài trên chúng ta, chúng ta không thể luồn lách đi đâu được nữa. Phần b của lời hứa: “ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (Giôsuê 1.5) là lời thề Ngài sẽ không để chúng ta lại một mình. Ngài sẽ đuổi theo chúng ta, quấy rối chúng ta, làm cho chúng ta áy náy, khiến chúng ta phải khó chịu, và cật vấn chúng ta cho tới chừng chúng ta phải chịu thua.
Đức Chúa Trời có nhiều cách để giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi: có khi bằng một sự lôi kéo mà chúng ta cảm nhận được trong linh hồn của chúng ta; có khi bằng một lời nói do người bạn buông ra; có khi bằng một việc rắc rối nào đó; hay có khi bằng một quyển sách, một bài giảng, một cơ hội nhóm lại. Trong các phương thức nầy, Đức Chúa Trời đang nài nĩ chúng ta quay trở lại với Ngài.
Tôi nhớ một sinh viên mà tôi đã gặp ở trường Đại học Stanford cách đây nhiều năm. Anh ta ngồi trên băng ghế trước nhà thờ Memorial đang đọc tờ Stanford Daily. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh ta, rồi chúng tôi bắt đầu trao đổi. Cuộc trao đổi tiếp tục rất mỹ mãn cho tới chừng nó đổi sang đề tài mối quan hệ của anh ta với Đức Chúa Trời.
Anh ta dậm chơn mình với một lời rủa sả rồi bỏ đi. Thế rồi anh ta dừng chơn và xây lại, anh ta nói: “Xin tha thứ cho tôi. Tôi đã lớn lên trong một gia đình Cơ đốc. Bố mẹ tôi là giáo sĩ của hệ phái Trưỡng Lão ở Đài Bắc, nhưng tôi thì sống xa cách Đức Chúa Trời trọn đời sống mình. Tuy nhiên, bất cứ đâu tôi đi đến cũng có người đến nói với tôi về Đức Chúa Trời”.
Hơn bất cứ điều chi khác, Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải nhượng bộ trước tình yêu thương của Ngài. George McDonald nói: “Tình yêu thương vây quanh chúng ta, tìm kiếm chổ rạn nứt nhỏ nhất để nó chui vào đó”. Đức Chúa Trời chờ đợi không hề mỏi mệt và yêu thương không ngừng nghỉ. Nhưng nếu chúng ta không có Ngài, Ngài sẽ để cho chúng ta đi đường mình rồi để cho chúng ta gặt lấy mọi hậu quả của sự chúng ta kháng cự. Nhưng dẫu vậy vẫn là điều ích cho chúng ta. Đấy là sự phán xét có tính cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết rõ khi cơn gió lạnh thổi qua, nó sẽ làm cho cái đầu của chúng ta xây lại.
“Vì cớ ấy, Đức Giê-hô-va khiến các quan tướng đạo binh của vua A-si-ri đến hãm đánh chúng; các quan ấy bắt đóng cùm Ma-na-se, xiềng người lại, rồi dẫn về Ba-by-lôn. Khi người bị hoạn nạn, bèn cầu khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người và hạ mình xuống lắm trước mặt Đức Chúa Trời của tổ phụ người” (II Sử ký 33.11-12).
Vua Asiri được nhắc tới ở đây có lẽ là Esarhaddon, con trai của Sennachaerib. Esarhaddon xỏ một chiếc vòng vào mũi của Manase, đóng cùm người cả hai tay hai chân, và đưa người sang Babylôn, trong 12 năm ở đó người tiều tụy trong ngục tù. Chiếc vòng đeo nơi mũi là cách sĩ nhục của người Asiri đối với các vì vua bị bắt phục, một thông lệ rõ ràng đã minh họa công cụ do người Asiri làm ra. Đúng là một sự sĩ nhục hoàn toàn! Đúng là một sự thất bại kinh khủng! Nhưng hết thảy mọi sự ấy đã đem Manase về quê hương cùng với Đức Chúa Trời.
CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ
Sự hồi phục bắt đầu với sự xấu hổ. MacDonald viết: “Biết xấu hổ là một việc phước hạnh và thánh khiết. Xấu hổ là xấu hổ chỉ cho người nào muốn tỏ mình ra, chớ không phải cho người nào muốn bị xấu hổ. Xấu hổ là xấu hổ chỉ cho người nào muốn vượt qua sự thử nghiệm, chớ không phải cho người nào giấu vào lòng những việc … Biết xấu hổ cách khiêm nhường là lao mình vào, dùng lẽ thật mà tắm rửa”. Hạ mình xuống và ăn năn là hai chìa khóa mở cửa lòng của Đức Chúa Trời. Đó là hai chìa khóa mà Manase đã sử dụng:
“Khi người bị hoạn nạn, bèn cầu khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người và hạ mình xuống lắm trước mặt Đức Chúa Trời của tổ phụ người” (II Sử ký 33.12).
Josephus nói rằng Manase đã “tự xem mình là nguyên nhân của mọi sự”. Ông ta đã chấp nhận hết mọi trách nhiệm về những việc mà ông ta đã làm – không chối bỏ, không miễn thứ, không xưng công bình, không đổ thừa, không van nài chi hết. Khi ấy Manase “đã hạ mình xuống lắm”.
Khuynh hướng của chúng ta là hay đưa ra những lời cáo lỗi cho bản thân mình, chúng đến từ suy nghĩ Đức Chúa Trời sẽ chẳng hề đem chúng ta trở lại trừ phi chúng ta thu nhỏ hay lý lẽ việc làm sai trái của chúng ta. Nhưng, như C. S. Lewis lưu ý: “Sự tha thứ thực có ý nói hãy nhìn thẳng vào tội lỗi, là thứ tội lỗi còn đó mà chẳng có một lời cáo lỗi nào hết, sau khi mọi sự công nhận đã được lập ra, và nhìn xem nó với sự kinh khủng, bẩn thỉu, bĩ ỗi, và hiểm độc, rồi làm hòa trọn vẹn với ai đó đã làm ra nó. Như thế, và chỉ như thế, mới là sự tha thứ; và chúng ta có thể luôn luôn có sự tha thứ từ Đức Chúa Trời”.
Manase không bị quên lãng đâu! Mặc dù sự gian ác ghê gớm lắm, Chúa vẫn là Đức Chúa Trời của Manase. Mặc dù cơn giận đã quét qua gương mặt của Đức Chúa Trời, Ngài không hề xây ánh mắt của Ngài đi.
TÌNH YÊU BẤT DIỆT
Trong quyển Cabin của Bác Tom (Uncle Tom’s Cabin) do Harriet Beecher viết, Tom than phiền: “Tôi thật là độc ác – độc ác lắm. Tôi chẳng thể làm chi được hết”. Tội lỗi là bản chất của chúng ta. Đấy là cách mà chúng ta buông mình trong cuộc sống – và chúng ta chẳng thể làm sao khác được nữa. Tuy nhiên, những thất bại cứ lặp đi lặp lại của chúng ta không làm thay đổi tâm tình của Đức Chúa Trời đối cùng chúng ta. Nếu bản chất của chúng ta là hay phạm tội, thì cứu rỗi chính là thuộc tánh của Ngài. Thiếu sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ không hề tồn tại với tội lỗi của chúng ta. Nó chỉ làm cho chúng ta phải khiếp sợ và đưa chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời mà thôi.
Chúng ta có những cái cớ cho sự kinh khiếp đó nếu Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta ngay từ sáng thế vì chúng ta đẹp đẽ như thế. Nhưng từ khi sự tán thưởng nguyên thủy của chúng ta không nương vào điều gì nơi chúng ta, thì sự tán thưởng đó không thể nương vào bất cứ điều chi nơi chúng ta trong lúc bây giờ. Không một điều gì nơi chúng ta xứng đáng với sự ưu ái của Ngài trước khi chúng ta trở lại đạo; không một điều gì nơi chúng ta xứng đáng với sự liên tục của việc trở lại đạo đó.
Đức Chúa Trời cứu chúng ta vì Ngài quyết định làm như thế. Ngài dựng nên chúng ta cho chính mình Ngài, và không có mối tương giao đó những cơn đau lòng của Ngài cứ dìm mãi trong sự cô độc. Đấy là lý do tại sao Đấng Christ đã chịu thương khó vì chúng ta – “Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (I Phierơ 3.18). Ngài không hề nhượng bộ. Ngài yêu chúng ta nhiều đến nỗi không nhượng bộ. “Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết …” (Philíp 1.6).
Chúng ta phải chấp nhận ơn tha thứ rời rộng và đầy trọn của Đức Chúa Trời, rồi khi ấy hãy tự quên đi. Vì chúng ta là hạng tội nhân là sự thực không thể chối bỏ được. Chúng ta là hạng tội nhân được tha thứ cũng là sự thực không thể chối bỏ được. Chúng ta đừng nương dựa vào tình trạng tội lỗi của mình nữa. Tấm lòng của Đức Chúa Trời đang rộng mở cho chúng ta. Chúng ta phải tiếp lấy ơn tha thứ mà chúng ta đang có cần rồi cứ tiếp tục với cuộc sống.
KẾT THÚC MỸ MÃN
Còn nữa. Không những Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta, Ngài còn sử dụng nó để khiến cho chúng ta ra tốt hơn trước đó. Hãy xem Manase kìa. Ông đã được tha ra khỏi ngục tù sau 12 năm và được phục hồi lại ngôi vị của mình. Khi ấy ông mới sắp đặt lo củng cố quốc phòng:
“Ma-na-se cầu nguyện cùng Ngài; Ngài nhậm lời người, dủ nghe lời nài xin của người, dẫn người về Giê-ru-sa-lem trong nước người; khi ấy Ma-na-se nhìn biết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Sau việc ấy, người xây vách ngoài thành Đa-vít, về phía tây Ghi-hôn trong trũng, đến lối vào cửa cá, và chung quanh Ô-phên, xây nó rất cao rồi người đặt những quan tướng trong các thành bền vững xứ Giu-đa. Người cất khỏi đền Đức Giê-hô-va những thần ngoại bang, hình tượng, và bàn thờ mà người đã xây trên núi của đền Đức Giê-hô-va và tại Giê-ru-sa-lem, rồi quăng nó ra ngoài thành. Đoạn, người sửa sang bàn thờ của Đức Giê-hô-va, dâng của lễ bình an và của lễ thù ân tại đó; người truyền dạy dân Giu-đa phục sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (II Sử ký 33.13-16).
Manase đã hủy diệt các tà thần và dời hết hình tượng ghê khiếp mà ông đã đặt trên nhà của Đức Giêhôva. Ông thù ghét các hình tượng với một tinh thần y như ông đã ưu ái chúng trước đây.
Ông tu sửa lại bàn thờ của Đức Giêhôva mà ông đã đánh hạ. Ông dâng của lễ trên đó, những của lễ thù ân và của lễ cảm tạ để ngợi khen Đức Chúa Trời vì ơn chửng cứu của Ngài. Giờ đây ông sử dụng quyền lực của mình để chỉnh đốn dân sự thay vì làm cho họ phải đồi bại.
Đây là những gì Giăng Báptít đã mô tả là: “kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Mathiơ 3.8). Sự ăn năn thật gắn liền với một sự thay đổi trong tầm nhìn và thái độ của chúng ta. Ăn năn thật không phải chỉ là buồn rầu đối với tội lỗi thôi đâu. Đây là sự đảo lộn suy tưởng của chúng ta. Tự nó sẽ tỏ ra trong một nổ lực quả quyết tự củng cố mình trong những lãnh vực chúng ta yếu đuối và trong chỗ chúng ta từng sa ngã trước đây. Sẽ có một quyết định mạnh mẽ tự canh giữ mình đối với tội lỗi.
Sự ăn năn thật còn có ý nói sống cách xa người nào, dù nam hay nữ, một khi họ có ảnh hưởng gây đồi bại cho chúng ta. Ăn năn thật có ý nói hãy ở ngoài những tình huống chúng ta có khuynh hướng vấp ngã trong đó.
Sự ăn năn thật gắn liền với một sự thay đổi trong tầm nhìn và thái độ của chúng ta. Ăn năn thật không phải chỉ là buồn rầu đối với tội lỗi thôi đâu. Đây là sự đảo lộn suy tưởng của chúng ta.
Ăn năn thật có ý nói phải cách xa những ảnh hưởng gây đồi bại trong phim ảnh, sách báo, tạp chí, và không gian ảo nữa. Ăn năn thật có ý nói phải tìm kiếm ai đó buộc chúng ta phải giải trình khi chúng ta đi đây đi đó, là người khiến cho chúng ta sống thành thực khi chúng ta rời khỏi nhà. Dù ăn năn có ý nói gì đi nữa, tình trạng lạc sai của chúng ta sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn và ra tốt hơn trước đây. Thậm chí từ tội lỗi của chúng ta, Đức Chúa Trời có thể rút ra điều tốt lành.
Đức Chúa Trời đã ban cho Manase 20 năm để trị vì. Ông đã tiếp lấy một khởi đầu tươi mới và tốt đẹp hơn, và ông đã làm tối đa cho sự khởi đầu ấy. Ông đã trở thành một trong những vị vua xuất sắc nhất của Giuđa, và trong 22 năm là một tấm gương vinh hiển cho Israel về ân điển của Đức Chúa Trời không thể tưởng tượng nổi. Đức Chúa Trời cũng làm như thế cho bạn đấy!
ĐIỀU CHI HIỆN CÓ TRONG MỘT CÁI TÊN?
Tên của Manase được rút ra từ một động từ Hy bá lai có nghĩa là “quên”. Đấy là chữ mà Đức Chúa Trời đã viết cho quá khứ của Manase và của chúng ta – đã quên. “Ta sẽ tha sự gian ác [ngươi], và chẳng nhớ tội [ngươi] nữa” (Giêrêmi 32.34). Oswald Chambers nói: “Đức Chúa Trời quên phứt tội lỗi của chúng ta”. Jeffrey Dahmer bật nhớ đến tỉ lệ tội lỗi không thể tha thứ cần phải xem xét. Dahmer xưng nhận đã giết 17 người, chặt chân tay một số người, làm tình với các thi hài, và ăn một số chi thể trong thân thể của họ.
Việc trình chiếu bối cảnh tội ác đó khiến cho Dahmer trở thành một biểu tượng gian ác của xứ sở. Sau cái chết đẩm máu của hắn tại Trung Tâm Cải huấn Columbia ở Wisconsin, ai nấy đều tin rằng hắn sẽ đi thẳng đến địa ngục. Một biên tập viên đã thốt ra lời nài xin khẩn thiết với quyền lực tối tăm: “Xin vui lòng nhận lấy Jeffrey Dahmer”.
Nhưng sự thể không diễn ra như vậy, Dahmer đã bắt đầu tham dự các lớp nghiên cứu Kinh Thánh ở trong tù. Kết quả, ông đã tuyên xưng đức tin công khai nơi Đức Chúa Jêsus Christ và đã chịu phép báptêm. Ông đã tìm được ơn tha thứ và sự bình an. Ông bình tỉnh trước số phận của mình, thậm chí sau khi một bạn tù đã rạch cổ họng của ông trong một buổi thờ phượng. Nếu ông sống thành thực, và sự thể cho thấy ông đã sống thành thực, chúng ta sẽ gặp ông một ngày kia trên thiên đàng.
Kỳ quặc làm sao, có phải không? Song đấy chính là ân điển của Đức Chúa Trời.
TÁI BÚT
Trong suốt nửa sau hiệp một của trận đấu Rose Bowl vào năm 1929, Riegels đã trốn vào một góc phòng của UCLA với cái khăn quấn quanh đầu mình. Huấn luyện viên của anh, Nibbs Price, chẳng nói gì với anh và nói rất ít với cả đội.
Ba phút trước khi hiệp nhì, ông đã bình tỉnh nói: “Cả đội đã khởi sự hiệp một sẽ khởi sự với hiệp thứ nhì”. Riegels la lên: “Huấn luyện viên ơi, tôi không thể. Tôi đã làm nhục cho cả đội, cả trường và bản thân tôi. Tôi không thể thi đấu được nữa”. Price hô lớn: “Hãy trở lại với trận đấu. Đấy chỉ là nửa hiệp thôi mà”.
Đúng là một huấn luyện viên! Đúng là một Đức Chúa Trời!
DAVID:THẮNG HƠN
NHỮNG LỜI TỰ BIỆN HỘ DỐI TRÁ
Khi thất bại và thành công trở thành vấn đề, một sự cố trong đời sống của David thoạt đến trong lý trí. Nó diễn ra trong thời kỳ khi ông và Saulơ đang chơi trò chơi trốn tìm. Saulơ, đang truy đuổi David và đồng đội của ông trong đồng vắng xứ Giuđê, nhất quyết đánh hạ ông cho bằng được.
Saulơ vốn quen thuộc với những nơi David thường lui tới và các chỗ David ẩn náu. David có thể bỏ chạy, nhưng ông biết ông không thể trốn tránh được nữa. Ông yếu sức và kiệt lực. Dường như mọi rối rắm của ông không có tận cùng.
Những bài hát được gắn cho thời kỳ nầy trong đời sống của David đều là những bài ai ca. Âm điệu chỉ là thất vọng và ngã lòng.
“Đức Giê-hô-va ôi! vì cớ gì Ngài đứng xa, lúc gian truân tại sao Ngài ẩn mình đi?” (Thi thiên 10.1).
“Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ hằng quên tôi cho đến chừng nào? Ngài ẩn mặt cùng tôi cho đến bao giờ?” (Thi thiên 13.1).
“Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhân sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siếc tôi?” (Thi thiên 22.1).
QUYẾT ĐỊNH NGUY HIỂM CỦA DAVID
David đã lên dây đàn tới tận cùng rồi. Ông không thể lên hơn được nữa. Vì vậy, ông đã nghĩ thầm:
“Đa-vít nói thầm nghĩ rằng: Chắc một ngày kia, ta sẽ chết bởi tay Sau-lơ. Ta chẳng làm chi hay hơn bằng trốn trong xứ Phi-li-tin, thì Sau-lơ sẽ chẳng còn kiếm ta trong cả địa phận Y-sơ-ra-ên nữa. Như vậy, ta sẽ thoát khỏi tay người” (I Samuên 27.1).
Trong quá khứ, David đã nói với Gát hay với một trong những mưu sĩ khác của ông. Hoặc hay hơn nữa, ông “đã cầu hỏi Đức Giêhôva” (I Samuên 23.2, 4). Nhưng trong trường hợp nầy, David đã không cầu hỏi Chúa hay ai khác. Ông đã nhìn vào các hoàn cảnh, chỉ còn biết có sợ hãi, rồi trốn vào xứ Philitin. Dưới mọi cảnh ngộ, ông đã tin rằng đấy là việc tốt nhứt mà ông phải làm.
Cụm từ được dịch: “Việc tốt nhứt tôi có thể làm để thoát thân” được đặt trong một phương thức cho thấy vội vã lắm: “Tôi sẽ thoát ngay lập tức, tôi sẽ thoát ngay bây giờ”.
Những quyết định đưa ra khi chúng ta bị đánh té ngã hay cùng quẫn về mặt tình cảm là rất nguy hiểm. Chúng ta yếu đuối trước những sự lựa chọn tồi tệ khi chúng ta ở trong trạng thái đó của lý trí – những sự lựa chọn chúng ta không hề đưa ra nếu chúng ta đang ở trên đỉnh cao của mọi sự. Khi chúng ta bị đánh ngã, chúng ta rơi vào sự xét nét tồi tệ, đây là điều không thể tránh được.
Tôi lấy làm lạ không biết có bao nhiêu người độc thân đã quyết định trong một phút yếu đuối cho rằng họ không thể giữ được tư tưởng về tình trạng cô độc vĩnh viễn, vì vậy họ ổn định với người bạn đời là kẻ làm cho đời sống của họ càng đáng thương hơn? Tôi lấy làm lạ không biết có bao nhiêu người đã lui khỏi những việc làm tốt trong một phút thất bại, giận hờn, rồi giờ đây thấy mình thất nghiệp trong vô vọng sống trong những tình huống chẳng mong muốn bao giờ? Tôi lấy làm lạ không biết có bao nhiêu người đã rút lui ra khỏi cuộc hôn nhân của họ khi họ yếu sức dần rồi sống để tiếc nuối về quyết định đó? Tôi lấy làm lạ không biết có bao nhiêu người đã lui ra khỏi những chức vụ đầy kết quả vì cớ sự yếu đuối và thất vọng?
Ignatius xứ Loyola, một Cơ đốc nhân xứ Basque vào thế kỷ thứ 16, đã viết một quyển sách có đề tựa là Những bài học thuộc linh. Ông chỉ ra rằng có hai tình trạng trong đời sống Cơ đốc. Một là sự yên ủi: “Khi linh hồn thức tỉnh tới một tình yêu dành cho Đấng Tạo Hóa và Chúa của nó. Khi đức tin, sự trông cậy, lòng thương xót, và niềm vui mừng bên trong cảm thúc linh hồn nếm biết sự bình an và yên tỉnh trong Chúa của chúng ta”. Còn tình trạng kia là sự phiền muộn: “Khi có sự tăm tối trong linh hồn, tâm trí rối bời, một xu hướng mạnh mẽ nhắm vào những việc đời nầy, bất an, kết quả từ sự lo âu, và những cám dỗ dẫn đến mất đức tin. Chúng ta thấy mình lãnh đạm, hâm hẩm, buồn rầu, và lui đi xa khỏi Chúa, như vốn thực vậy”.
Ông viết: “Trong lúc ngã lòng, một người đừng nên tạo ra một sự thay đổi, nhưng hãy vững vàng và bền đỗ trong sự kiên định và trong sự quyết định đã dẫn dắt người trong ngày trước khi ngã lòng, hay với quyết định mà người đã có trong sự yên ủi trước đó. Vì như tâm tình sáng láng dẫn dắt và yên ủi chúng ta trong sự yên ủi, cũng vậy trong sự ngã lòng linh tà ác dẫn dắt và mưu luận. Theo những mưu luận của linh ác nầy, một người không thể tìm được phương thức đúng đắn để đưa ra một quyết định đúng đắn”.
Ông nói tiếp: “Mặc dù trong sự ngã lòng, chúng ta không thay đổi những quyết định trước đó của mình, nó sẽ trở nên rất thuận lợi cho chúng ta làm mạnh thêm sinh hoạt chống lại sự ngã lòng. Điều nầy có thể được thực hiện bằng cách khăng khăng nhiều hơn trong sự cầu nguyện, suy gẫm, xem xét, và xưng tội”.
Vì thế, chúng ta nên chờ đợi và cầu nguyện. Hiển nhiên là David đã học biết chờ đợi nơi Đức Chúa Trời (Thi thiên 5.3: 27.14; 33.20; 37.7, 34; 38.15). Ông đã chờ đợi trong cơ hội nầy, nhưng ông đã để cho lý trí ông dậy lên. Được cung ứng cho trong các hoàn cảnh của ông, xứ Philitin trông tốt hơn bóng cánh không thấy được của Đức Chúa Trời.
“Vậy, Đa-vít chổi dậy, cùng sáu trăm người theo mình, sang qua đến A-kích, con trai Ma-óc, vua Gát. Đa-vít và những kẻ theo người ở cùng A-kích tại Gát, mỗi người có gia quyến mình. Đa-vít có hai vợ theo, tức là A-hi-nô-am ở Gít-rê-ên và A-bi-ga-in, trước làm vợ của Na-banh ở Cạt-mên. Sau-lơ hay rằng Đa-vít trốn đến Gát, thì thôi đuổi theo người” (I Samuên 27.2-4).
TÌNH TRẠNG BẤT AN CỦA DAVID
David được an toàn trong xứ Gát, dù bất an có tăng lên. Mọi hoạt động của ông đều bị hạn chế. Ông phải giảm đi phần tự quản và độc lập của mình. Ông cảm thấy nhu cần phải ra khỏi thủ phủ của nhà vua, vì vậy ông đã xin Akích một địa điểm khác để sinh sống. Đây là lời cầu xin đó:
“Đa-vít nói cùng A-kích rằng: Nếu tôi được ơn trước mặt vua, xin hãy nhường cho tôi một nơi nào thuộc về các thành ở ngoài đồng bằng, để tôi ở đó. Vì tôi tớ vua ở trong đế đô với vua mà chi? Vậy, trong ngày đó A-kích ban Xiếc-lác cho người; bởi cớ ấy, Xiếc-lác thuộc về vua Giu-đa cho đến ngày nay. Thì giờ Đa-vít ngụ trong xứ dân Phi-li-tin là một năm bốn tháng” (I Samuên 27.5-7).
Sau cùng, David và đồng đội của ông có thể ổn định được rồi. Vì trong nhiều tháng trời, mạng sống của họ luôn luôn ở trong chỗ báo động đỏ và chiến đấu miệt mài. Giờ đây, họ đã có một góc nhỏ bình an. Con cái của họ có thể chơi đùa trong an toàn. Những người nam và nữ lớn tuổi có thể ngồi dưới ánh mặt trời và trò chuyện. Những người đàn ông có thể làm việc ở ngoài đồng thay vì nơm nớp với những cuộc bố ráp và cướp phá.
David và người của ông đã sống trong Xiếclác chẳng ai quấy nhiễu trong một thời gian, và mọi sự dường như xuông xẻ ở bề ngoài. Thế nhưng, đây là thời điểm cằn cỗi trong sự đồng đi của David với Đức Chúa Trời. Ông không viết một bài thơ và hát một bài ca nào trong xứ Xiếclác. Chàng ca sĩ tuyệt vời của Israel đã bị câm nín. David đã bị cuốn đi xa khỏi Chúa.
Nhưng sự trôi giạt của David không kết quả trong chỉ thất bại riêng tư thôi đâu – ông đã đặt bạn hữu ông trong cảnh hiểm nghèo thuộc linh. Xứ Philitin nằm ở ngoài cơ nghiệp của Đức Giêhôva, nơi ở của Đấng Chí Cao. Xứ ấy đầy dẫy hình tượng (II Samuên 5.21).
Khi David bị cuốn xa khỏi Đức Chúa Trời, ông thấy bất an ngày càng tăng – một trạng thái của lý trí luôn luôn nhận chúng ta chìm vào những rối rắm sâu sắc.
CUỘC BỐ RÁP KINH KHỦNG CỦA DAVID
“Đa-vít và những kẻ theo người đi loán đến đất dân Ghê-su-rít, dân Ghiệt-xít, và dân A-ma-léc, là những dân tộc từ lâu đời ở miền lân cận Su-rơ cho đến xứ Ê-díp-tô. Đa-vít phá hủy xứ nầy, chẳng để một người nam hay nữ còn sống; cướp lấy chiên, bò, lừa, lạc đà, và áo xống; đoạn, trở về cùng A-kích. A-kích hỏi: Ngày nay, ngươi đi xâm đoạt nơi nào? Đa-vít đáp: Trong miền nam đất Giu-đa, miền nam đất dân Ghê-ra-mê-lít, và miền nam đất dân Kê-nít. Đa-vít chẳng chừa một người nam hay nữ còn sống đặng dẫn về Gát; vì nói rằng, e chúng nó sẽ cáo chúng ta mà rằng: Đó là điều Đa-vít đã làm. Trọn lúc Đa-vít ngụ trong xứ dân Phi-li-tin, thường hay làm như vậy. Cho nên A-kích tin Đa-vít, mà rằng: Hắn làm cho hắn bị gớm ghiếc nơi Y-sơ-ra-ên, là dân sự hắn, nên chắc hắn sẽ làm tôi tớ ta đời đời” (I Samuên 27.8-12).
David đã cướp phá hết làng nầy sang làng khác rồi phân phối chiến lợi phẩm cho bà con mình trong xứ Giuđa (I Samuên 30.26). Nhưng có một chú thích đáng phải để ý đến trong câu chuyện. David đã sử dụng một chính sách tiêu diệt – giết những người nam, người nữ, trẻ con, e chúng báo cáo về ông. Các động từ “phá hủy”, “chẳng để”, và “cướp lấy” là những từ mà các nhà văn phạm gọi là: “các động từ xảy ra nhiều lần” mô tả hành động theo thói quen. Tiêu diệt là “chính sách” của ông, giống như bản Kinh Thánh Hêbơrơ mô tả nó: “bao lâu ông sinh sống trong xứ Philitin”. David đã chạy theo con đường riêng trong một năm bốn tháng.
SỰ GIẢ DỐI CỦA DAVID
Là chư hầu của nhà vua, David có bổn phận phải tường trình về các trận đánh và phân chia một số chiến lợi phẩm lấy được từ những chiến thắng của mình. Akích đã hỏi ông: “Ngày nay, ngươi đi xâm đoạt nơi nào?” David nói dối: “Trong miền nam đất Giu-đa, miền nam đất dân Ghê-ra-mê-lít, và miền nam đất dân Kê-nít”.
David đã dấn thân vào một con đường đòi hỏi phải nói dối liên tục. Ông cứ mãi nói dối với Akích, một sự dối trá hoàn toàn bất xứng với bổn tánh của ông. Akích đã chấp nhận báo cáo của David, xem như đấy là bằng chứng cho thái độ thù hận đối với Israel, ông ta nghĩ rằng David đã tự mình xa lánh với đồng bào của mình và giờ đây đã hoàn toàn chịu phục sự ông ta. Ông ta nói: “Hắn làm cho hắn bị gớm ghiếc nơi Y-sơ-ra-ên, là dân sự hắn, nên chắc hắn sẽ làm tôi tớ ta đời đời” (I Samuên 27.12).
Đây là một mệnh đề rất thú vị: “nên chắc hắn sẽ làm tôi tớ ta đời đời”. David, một linh hồn tự do của Đức Chúa Trời, đã bán mình phục vụ cho một vị vua tà giáo. T.S. Eliot nói: “Linh hồn trong trạng thái ức chế đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác, trừ phi nó được phục hồi bởi ngọn lửa luyện lọc”.
PHÚT CHÂN THẬT CỦA DAVID
Người Philitin tập trung các lực lượng của họ tại Aphéc để chiến tranh nghịch cùng dân Israel. Họ vốn biết rõ tình trạng phân rẽ trong vương quốc của Saulơ và đã thỏa lòng lắm khi nhìn thấy số lượng những kẻ mạnh sức ngày càng tăng thêm trong sự lìa bỏ Saulơ và đồng cảm với David và có lẽ cũng đồng cảm với quân đội Philitin.
Người Philitin bèn quyết định đánh một trận sau cùng. Vì vậy, họ đã cho tập trung mọi lực lượng của họ – cùng với David và người của ông – với dự tính tấn công Israel trên khắp đồng bằng Esdraelon. David buộc phải đi theo nhà vua ra chiến trận, mặc dù ông phải đánh trận chống lại đồng bào của mình, chống lại Saulơ Vua mình, và chống lại Giônathan, là bạn thiết của mình.
Có thể là ở điểm nầy tấm lòng của David bắt đầu xây sang Đức Chúa Trời, cầu xin Ngài gỡ ông ra khỏi tình trạng hỗn độn mà bản thân ông tự dính vào. Nếu thế, thì Đức Giêhôva lắng nghe ông.
F.B. Meyer đã viết: “Nếu bởi lầm lỗi và tội lỗi, bạn tự lui về trong một tình huống giả tạo giống như vầy, đừng thất vọng, vẫn phải hy vọng nơi Đức Chúa Trời. Hãy xưng ra rồi gạt bỏ tội lỗi của mình đi, và hãy hạ mình xuống trước mặt Ngài và Ngài sẽ dấy lên để giải cứu bạn. Bạn đã tự hủy diệt mình, nhưng ở trong Ngài sẽ là sự cứu giúp cho bạn đấy”.
Một cánh cửa hy vọng đã được mở ra. Ngay trong đêm gặp gỡ ấy, Đức Chúa Trời đã can thiệp. Chính người Philitin đã khẳng định rằng David và người của ông chẳng có phần gì trong chiến trận, vì vậy họ quay trở lại nơi cư ngụ của họ tại Xiếclác.
“Khỏi ba ngày, khi Đa-vít với những kẻ theo mình đến Xiếc-lác, thì dân A-ma-léc đã loán đến miền nam cùng Xiếc-lác, xông vào Xiếc-lác và đã phóng hỏa nó. Chúng bắt lấy các người nữ và hết thảy kẻ lớn nhỏ ở tại đó. Chúng nó chẳng giết một ai, song khi đi, có dẫn tù hết thảy. Khi Đa-vít và những kẻ theo người đến thành, thì thành đã bị lửa cháy; vợ, con trai, con gái của chúng đều đã bị dẫn tù. Bấy giờ, Đa-vít và những kẻ theo người đều cất tiếng lên khóc, khóc đến đổi không còn sức khóc nữa” (I Samuên 30.1-4).
David và người của ông đã trên đường đi khoảng 3 ngày và đã kiệt lực, đang mong mỏi gặp lại vợ con mình. Khi họ đến gần Xiếclác, họ nhìn thấy một cột khói trên đường chân trời, khi còn vài dặm nữa đến Xiếclác, thì thấy thành đã bị phóng hỏa, những phụ nữ và con nhỏ của họ đều bị bắt đi làm phu tù. Thay vì gặp gỡ nhau trong hạnh phúc, đã có im lặng và hoang vu thật là đáng sợ. Chỉ còn có vài người lớn tuổi còn ở đó để thuật lại câu chuyện. David và người của ông đã bật khóc cho tới chừng không còn sức khóc nữa.
Các đội quân của David xây lại và nhìn trừng trừng nơi ông với giận dữ im lặng. Có người muốn hành quyết ông. Bản thân David chịu trách nhiệm về sự mất mát của họ, và ông vốn biết rõ như vậy. Lẽ ra ông phải để một số người ở lại để trông chừng thành phố. Ông phải biết như thế. Ông đã làm cho ai nấy đều ngã lòng hết. Bạn có thể tưởng tượng nổi trống vắng khủng khiếp của ông.
Và rồi, đã có sự mất mát của chính cá nhân ông. Chẳng còn có hy vọng, chẳng có một triển vọng giải cứu nào cho tình hình nầy. Ông không thể đuổi kịp người Amaléc. Họ đã cởi trên lưng lạc đà và đã đi xa rồi. Khi chúng ta có hy vọng, chúng ta có thể chịu đựng. Khi hy vọng của chúng ta bị cướp mất, cuộc sống mất mát hết ý nghĩa của nó.
David vốn ý thức về sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời. Lương tâm ông đã tỉnh thức và khởi sự nói. David đã lãnh đạo một sinh hoạt gấp bằng hai – phản bội Akích và đột kích liên quân Philitin. Ông đã tàn sát nhiều làng mạc và rồi đã nói dối. Giờ đây, ngôi làng và gia đình của ông đều tan hoang. Đây là một trong những giờ phút tăm tối nhất trong cuộc đời của David.
SỰ ĂN NĂN CỦA DAVID
David đã bật khóc trong đau thương và thất vọng. Ông đã khóc cho tới chừng không còn sức khóc nữa. Một phản ứng hoàn toàn rất tự nhiên. Châm ngôn 15.13 chép: “Nhưng tại lòng buồn bã trí bèn bị nao sờn”. “Đa-vít bị sự hoạn nạn lớn, vì dân sự toan ném đá người, bởi hết thảy đều có tâm hồn đầy cay đắng, vì cớ mất con trai và con gái mình. Nhưng Đa-vít được sức mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình” (I Samuên 30.6).
“David bị sự hoạn nạn lớn”, nhưng ông đã “được sức mạnh nơi Giêhôva Đức Chúa Trời mình”. Bản Hêbơrơ đọc: “Ông tự có sức mạnh nơi Đức Giêhôva”. Đây là một trong những câu quan trọng nhất trong Kinh Thánh.
Một lần nữa, David đã xem Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của ông! Không nghi ngờ chi nữa, người của David đã nghe ông lặp đi lặp lại: “Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi, hòn đá tôi, sự cứu rỗi của tôi”.
Mặc dù David đã làm tổn thương trầm trọng danh của Đức Chúa Trời bởi sự ông thất bại về đức tin và những sách lược phản bội và gây đau khổ, Đức Giêhôva vẫn là Đức Chúa Trời của ông. Và trong cơn khủng hoảng hiện tại, ông có thể đến nương dưới bóng cánh của Ngài.
Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ đi ơn cứu giúp của Ngài, thậm chí khi chúng ta đã đem sự hủy hoại chất trên bản thân mình. Bất chấp điều chi chúng ta đã làm, chúng ta phải chạy đến với Ngài rồi nắm lấy bàn tay mạnh sức của Ngài. Người nào chạy đến với Đức Chúa Trời đem theo gánh nặng thất bại trong trí mình rồi thưa với Ngài: “Ngài là nơi nương náu của con” là người hiểu rõ tấm lòng giàu ơn của Đức Chúa Trời.
David “được sức mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình”. Ông phải quay trở lại với những lời hứa của Đức Chúa Trời về sự tha thứ và phục hồi, những gì thường làm cho ông được phấn khởi trong những lúc tăm tối của cuộc đời ông. Ông đã nhớ lại những bài thơ mà ông đã viết trong những ngày tối tăm kia giống như những ngày nầy đã phản ảnh sự thành tín của Đức Chúa Trời. Ông đã nhớ lại mình đã từng ở trong những tình huống tồi tệ hơn cả tình huống nầy và Đức Chúa Trời đã cứu giúp ông trong những lúc đó. Mặc dù đức tin ông đã được thử nghiệm rồi, đức tin ấy không rơi vào chỗ thất vọng. Trong phương thức nầy, ông tự khích lệ mình.
Mọi sự ở chung quanh David đều là thất bại và đổ nát. Nhưng Đức Chúa Trời đang ở gần. “Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi thiên 46.1). David đã được sức lực từ Đức Chúa Trời rồi trở thành trung tâm của sự bình an. Hãy nhớ lời lẽ của Phaolô: “Anh em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ” (I Côrinhtô 16.13).
SỰ HỒI PHỤC CỦA DAVID
David, đến cuối cùng, đã thu lại mọi sự mà người Amaléc đã lấy đi, kể cả gia đình ông (I Samuên 30.18-19). Nhưng không phải mọi thất bại của chúng ta sẽ giống như thế đâu! Chẳng có một sự bảo đảm nào trong đời nầy chúng ta sẽ có lại gia đình mình, công ăn việc làm, tiếng tăm mà chúng ta đã đánh mất do sự rồ dại của chúng ta.
Chúng ta có thể đến với tận cùng những năm tháng của chúng ta một con đường dài xa cách mục tiêu của chúng ta. Có thể chúng ta nhìn biết nhiều thất bại hơn là thành công. Có thể chúng ta không có quyền lực hay thịnh vượng. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận sự thất vọng rồi để cho nó kéo chúng ta đến gần với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tìm thấy đúng lúc thất bại của chúng ta đã cung ứng cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình yêu và ân sũng của Đức Chúa Trời. Đấy là một việc rất sâu xa và có cần nhất.
Cần phải có một đức tin lớn để tin rằng mọi thất bại của chúng ta là vì ích lớn lao hơn. Nhưng đấy là sự thực. Chúng ta học biết nhiều từ thất vọng hơn là chúng ta tiếp thu từ thành công. Chúng ta đạt tới mức nhận biết Đức Chúa Trời và các đường lối của Ngài. Người nào chưa bao giờ thất bại chưa bao giờ biết được sự khai phá đó.
DAVID: Thắng hơn thất bại đạo đức
Tôi luôn nhìn thấy nhiều bạn bè mình sa ngã. Tôi lấy làm lạ, không biết sao họ cứ sa ngã luôn!?! Điều chi khiến cho một người đối xử tệ với cuộc hôn nhân của mình và mọi điều mà người ấy đã hết lòng lo liệu, một việc nhất thời chăng? Hãy lấy David làm thí dụ – vị vua lỗi lạc nhất của Israel, là người “vừa lòng Đức Chúa Trời”. Ông đã đem lòng mê đắm Bátsêba, người vợ trẻ, xinh đẹp của Uri.
Chuyện xảy ra lúc “năm mới, khi các vua thường ra tranh chiến” (II Samuên 11.1). Thực vậy, mùa xuân ấy nằm trong tình huống không thể tránh được, mọi năng lực của David đã nhắm vào một chỗ khác: “Một buổi chiều kia, Đa-vít chổi dậy khỏi giường mình, đi dạo chơi trên nóc đền vua” (câu 2).
Từ đó, ông đã có một cái nhìn bao quát thành Jerusalem và có thể nhìn xuống sân của vùng phụ cận. Khi ông quan sát cả thành phố, mắt ông rơi đúng chỗ một phụ nữ trẻ đang tắm. Câu Kinh Thánh cho biết, nàng rất xinh đẹp (câu 2).
Nếu người phụ nữ kia không đoan trang, bạn phải nhớ chẳng có một hệ thống nước máy nào trong thời buổi ấy. Tắm rửa thường diễn ra ngoài trời trong sân có hàng rào bao quanh.
David đã mê đắm! Ông sai người hỏi thăm cho biết người nữ ấy là ai (câu 3), và một trong những bạn hữu của ông đã làm cho ông phải thất vọng. Ông hỏi: Có phải “Ấy là Bát-Sê-ba, con gái của Ê-li-am, vợ của U-ri, người Hê-tít”? (câu 3). Nàng là một thiếu phụ đã có chồng – thực vậy, nàng đã lấy Uri, một trong những tráng sĩ của David, một thành viên trong đội cận vệ của David (II Samuên 23.39).
Tuy nhiên, David đã không chối từ. Ông “sai người đem nàng đến”. Việc sai lầm nầy dẫn đến sai lầm khác và “vua ngủ với nàng… nàng trở về nhà”. Sau đó, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Người nữ nầy … sai người tâu cùng Đa-vít rằng: Tôi có thai” (II Samuên 11.4-5).
David biết rõ mình đã gặp rắc rối lớn. Chồng của Bátsêba đã lao vào trận khi bao vây thành Rápba của dân Amôrít và phải kẹt lại trong mấy tháng. Ai cũng có thể đếm đến chín. Ở vùng đất khác, vua là Luật pháp, nhưng không như thế trong Israel. Không một ai cao hơn Lời của Đức Chúa Trời. Tà dâm là tội trọng.
Nhưng David, luôn luôn là một con người của hành động, đã vạch ra một chương trình hầu đẩy lùi mọi hậu quả của vụ việc nầy. Ông gửi lời cho Giôáp, theo lịnh ông triệu Uri về thành Jerusalem, bề ngoài là báo cáo về trận chiến, song trong thực tế là đưa ông ấy về nhà với Bátsêba. Khi người chiến binh nầy về tới, David lắng nghe mọi tường trình vắn tắt của ông ấy rồi truyền lịnh cho Uri phải về nhà: “Hãy đi xuống nhà ngươi và rửa chân đi” (câu 8), ông vừa nói vừa nháy mắt.
Thế nhưng, Uri “không về nhà mình, ngủ tại cửa đền vua cùng các tôi tớ vua” (câu 9). Khi David hỏi tại sao ông không về nhà, Uri đã giải thích: “Hòm giao ước, Y-sơ-ra-ên, và Giu-đa, vẫn ở dưới trại, Giô-áp, là chúa tôi, luôn với các tôi tớ chúa tôi đang hạ trại nơi đồng trống, còn tôi lại vào nhà mình đặng ăn, uống, và ngủ cùng vợ mình sao? Tôi chỉ mạng sống và linh hồn của vua mà thề rằng, tôi chẳng biết làm một sự như vậy!” (câu 11).
David đáp: “Hãy ở lại đây ngày nay, rồi mai ta sẽ sai ngươi đi. Vậy, U-ri ở lại tại Giê-ru-sa-lem ngày ấy và ngày sau. Đoạn, Đa-vít vời người ăn uống tại trước mặt mình, và làm cho người say; nhưng chiều tối, U-ri đi ra ngủ trên giường mình với các tôi tớ của người, chớ không có đi xuống nhà mình” (11. 12-13).
Uri không về nhà trong khi những người khác dưới quyền mình đã bị tẻ tách ra khỏi vợ và gia đình họ. Bất chấp mọi nổ lực lặp đi lặp lại của David khuyên nài Uri, người chiến binh Hêtít nầy đã từ chối. Mỗi tối, Uri đã cuộn mình trong túi ngủ ở ngoài sân của lính gát cung điện rồi ngủ với số lính gát nầy.
Thời gian trôi đi. Trong nổi thất vọng, David ký một hợp đồng cho đời sống mình, ra lịnh cho Giôáp phải “Hãy đặt U-ri tại hàng đầu, nơi hiểm nguy hơn hết của chiến trận, rồi hãy rút ra xa người, để người bị đánh và chết đi” (câu 15).
Giôáp, chẳng dại dột gì nên đã từ chối không làm theo huấn thị của David. Chương trình phản bội rõ ràng đến nỗi ông đã thay đổi như sau: “Vậy, khi Giô-áp vây thành, bèn đặt U-ri tại chỗ đã biết có lính mạnh bạo của thù nghịch gìn giữ. Người trong thành kéo ra đánh Giô-áp, có mấy người trong bọn tôi tớ Đa-vít ngã chết. U-ri, người Hê-tít, cũng chết” (các câu 16-17).
Khi ấy Giôáp sai người đến với David kèm theo báo cáo về trận đánh. Ông ta biết rõ David sẽ chỉ trích chiến thuật của mình và sự mất mát nhiều mạng sống, nhưng ông đã mau mắn báo cáo Uri đã tử trận (các câu 18-22). David không muốn Giôáp phải khó chịu nên ông nói: “gươm, khi giết kẻ nầy, khi giết kẻ khác” (câu 25).
Khi Bátsêba hay được chồng mình đã chết, nàng đã than khóc cho người. Khi thời kỳ than khóc ngắn ấy qua rồi, David “vời nàng vào cung; nàng trở nên vợ người, sanh cho người một con trai” (các câu 26-27).
David đã thực hiện vội vàng, nhưng hôn nhân đặt một dấu chấm sau cùng và hợp pháp cho vụ việc bẩn thỉu – hay David tưởng thế. Còn Đức Chúa Trời thì biết rõ, và “điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va” (câu 27).
Một năm trôi qua, trong suốt thời gian đó David về mặt thể chất và tình cảm đã trở nên xấu đi. Về sau ông mô tả cảm xúc nầy:
“Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu-tàn, Và tôi rên siếc trọn ngày; Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè” (Thi thiên 32.3-4).
Lương tâm ray rứt của ông khiến cho ông thấy bất an và sầu muộn. Mỗi phút thức tỉnh đầy dẫy với đau thương. Lúc đêm xuống, ông trằn trọc và trăn trở. Nổi lo sợ đã hủy hoại sức lực của ông. Sự ngã lòng của ông được đào sâu với từng ngày trôi qua.
Hiển nhiên là David đã đối diện với những sự thực. Chính xác hơn, ông phải đối mặt với tiên tri Nathan, là người biết rõ sự thực. Nathan đã gài bẫy nhà vua xuất thân từ nghề chăn chiên nầy với một câu chuyện nói tới một gã nhà giàu kia có nhiều bầy chiên, nhưng lại là người bắt lấy chiên con của người khác để đãi khách (II Samuên 12.4).
David đã nổi giận, và lúc đầu ông đã phản ứng mạnh mẽ như là kẻ bị xúc phạm về đạo đức: “người đã phạm điều ấy thật đáng chết!”
Nhưng việc bắt một con chiên con chẳng phải là một sự xúc phạm chính trong Israel. Theo Xuất Êdíptô ký 22.1, một tên trộm bị buộc phải bồi thường gấp bốn lần cho nạn nhân. Khi ấy David nói: “Hắn phải thường bốn lần giá chiên con không có lòng thương xót” (câu 5).
Nathan kết án ngay: “Vua là người đó! Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Ta đã xức dầu lập ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ. Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào tay ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa. Cớ sau ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài?” (12.7-9).
Khi ông bị đưa đến chỗ phải đối mặt với sự đồi bại của mình, những lời biện hộ của David đã bị vỡ nát ra. Lấy hai bàn tay bụm lấy mặt, ông kêu lên: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va”. Và Nathan đáp: “Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu” (câu 13).
Trước sự công nhận của David, ông không ra sức để tự xưng công bình. Ông đã công nhận tội lỗi mình, và Đức Chúa Trời ngay tức khắc hủy đi cáo trạng nghịch cùng ông. David có thể ngước đầu mình lên. Về sau ông đã viết:
“Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; Còn Chúa tha tội ác của tôi” (Thi thiên 32.5).
Như sứ đồ Giăng đã hứa: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1.9). Hạnh phúc là nhìn biết rằng tội lỗi của chúng ta đã được tha.
“Phước thay [hạnh phúc] cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!” (Thi thiên 32.1-2).
David đã gánh lấy các hậu quả kinh khủng vì cớ tội lỗi mình. Nathan đã nói trước David sẽ chịu khổ:
“Nên bây giờ, gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi đã khinh ta, cướp vợ U-ri, người Hê-tít, đặng nàng làm vợ ngươi. Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi; ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhựt. Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm, nhưng ta sẽ làm việc nầy trước mặt cả Y-sơ-ra-ên và tại nơi bạch nhựt… Nhưng vì việc nầy vua đã gây dịp cho những kẻ thù nghịch Đức Giê-hô-va nói phạm đến Ngài, nên con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ chết” (II Samuên 12.10-12, 14).
David đã trả giá xứng đáng cho vài phút khoái lạc của ông. Sinh hoạt gia đình ông và sự nghiệp chính trị bị xé toạc ngay đường chỉ nối kể từ lúc đó trở đi. Mọi sự mà Nathan nói trước đã trở nên sự thực.
“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Galati 6.7).
Nhưng David có thể chổi dậy từ chỗ sa ngã để bước đi với Đức Chúa Trời. C.S. Lewis viết: “Không một lượng sa ngã nào có thể thực sự làm cho chúng ta phải hư hỏng, nếu mỗi lần chúng ta biết tự chổi dậy. Tất nhiên chúng ta sẽ trở thành những đứa trẻ lấm lem và rách tả tơi ngay lúc chúng ta về đến nhà … Việc duy nhứt là mất đi tâm tánh của một người và nhượng bộ”.
LUẬT TRÌNH TỰ KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC
Đọc câu chuyện của David và nhìn thấy bạn bè tôi sa ngã khiến tôi phải đến với một kết luận: Sự suy đồi về đạo đức hiếm khi là một lỗ thủng lớn; nó giống như một chỗ rò rĩ thật chậm – kết quả của một ngàn đam mê nhỏ. Rất ít người hoạch định một vụ tà dâm; họ quá độ vào trong vụ việc đó.
Nó bắt đầu với sự hấp dẫn. Nó chẳng phải là tư dục nhiều như sự mê say cuồng dại làm cho chúng ta phải chìm đắm. Chúng ta bị kéo đến với hạng người có ảnh hưởng và hiểu biết, ai đó chịu lắng nghe và dường như biết quan tâm. Chúng ta bị rủ rê bởi sự hấp dẫn đó rồi bị dẫn vào những cấp độ tinh vi hơn.
Sự hấp dẫn trở thành khả năng tưởng tượng: Chúng ta tự tưởng tượng với người ấy và cảm xúc thì rất ấn tượng. Những vụ việc được tưởng tượng luôn dường trông như thật. Đấy là sự lừa dối cơ bản của chúng.
Những sự tưởng tượng xoa dịu chúng ta, và niềm tin của chúng ta bị xói mòn. Khi ấy chúng ta đang ở trong một cái khuôn lý trí hay lắng nghe những khát khao của mình, và khi đã lắng nghe rồi chúng ta chẳng có ý chỉ để kháng cự lại. Chúng ta không thể né tránh việc công nhận những tư tưởng nổi cộm của chúng ta.
Thế rồi có những lần gặp gỡ và chia sẻ sự xung đột ở bên trong, nổi thất vọng vợ chồng, và những tổn thương sâu sắc khác. Và với sự chia sẻ đó, mối quan hệ bắt đầu được nâng lên. Đột nhiên chúng ta hai con người cô độc rơi vào nhu cần tình cảm của nhau.
Thế rồi một sự miễn cưỡng không thể tránh được xảy đến, và với sự miễn cưỡng đó là nhu cần xưng công bình cho sự việc. Chúng ta không thể sống với sự bất hòa. Chúng ta phải hợp lý hóa cách xử sự của mình bằng cách đổ thừa cho ai đó hay việc chi khác – các áp lực công việc của chúng ta hay những hạn chế của bạn đời mình. Việc làm sai trái của người khác trở thành lý do của chúng ta. Mọi sự phải được thực thi trông rất tốt đẹp.
Nhưng tấm lòng của chúng ta biết rõ. Có những giây phút ý chí của chúng ta phải suy yếu đi và chúng ta mong muốn sắp đặt mọi việc sao cho ngay ngắn. Nếu chúng ta không sắp đặt được, khi ấy hãy lắng nghe tấm lòng mình, ở đó có một sự chai cứng y như kim loại vậy, và kế đó là suy sụp. Việc làm sai trái của chúng ta thay đổi, thay đổi hình thái và chất lượng của nó, nhắm vào việc tự yêu mình và tàn nhẫn kinh khủng lắm. Chúng ta không quan tâm ai sẽ bị tổn thương bao lâu chúng ta nhận được những gì mình mong muốn.
Và sau cùng, có sự vạch trần xảy đến không thể tránh được. Trước tiên, chúng ta chối: “chẳng có ai khác”. Kế đó, chúng ta che đậy: “Chỉ là lý thuyết xuông thôi mà”. Và cuối cùng, sự lừa dối của chúng ta được hô lên từ mái nhà. Chẳng có gì giấu được so với ánh sáng.
Khi mọi đường khâu của chúng ta được mở ra và những việc làm xấu xa của mình đã bị bày tỏ, Đức Chúa Trời nhắc chúng ta nhớ tới thập tự giá của Ngài, ơn tha thứ của Ngài, và ân điển không chi sánh được của Ngài. Khi ấy, Ngài khởi sự làm cho chúng ta được nên mới. Nhưng chỉ có một cách để nhìn biết ơn tha thứ đó: công nhận tính ghê khiếp của tội lỗi và từ ngữ bị coi là lỗi thời kia: ăn năn. Chúng ta phải ghét bỏ những gì chúng ta đã làm, rồi xây khỏi nó với sự ghét cay ghét đắng.
Đấy là những gì Phaolô gọi là: “sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn” (II Côrinhtô 7.10). Sự buồn rầu không theo ý Đức Chúa Trời là sự buồn rầu sẽ có, hay sự buồn rầu phải gánh chịu những hậu quả sẽ có. Kết quả càng làm cho lầm lỗi, lo sợ, và tình trạng vô vọng sẽ được tăng nhiều thêm. Mặt khác, sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời là sự buồn rầu đối với chính tội lỗi và sự tổn tại mà nó gây ra cho nhiều người khác. Sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời tự nó khẳng định muốn làm cho mọi việc ra ngay thẳng.
Đây là cách thức Phaolô muốn phải có: “Vậy, hãy xem, sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự ân cần [muốn vâng lời] trong anh em là dường nào! Lại có sự chữa chối [về việc làm sai trái], buồn giận [nghịch lại với điều ác], răn sợ [sa ngã vào tội lỗi nữa], sốt sắng [muốn được thanh sạch], nông nả [dành cho những kẻ bị tổn hại bởi tội lỗi], trách phạt [công bình] là dường nào!” (II Côrinhtô 7.11).
Giống như bản thân David đã học được: “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi thiên 51.17). Đức Chúa Trời thấy rõ những tiềm năng thậm chí trong tình trạng ô uế của chúng ta, tha thứ tội lỗi của chúng ta, làm cho mọi sai trái của chúng ta mất đi tác dụng, rồi sắp đặt khiến cho chúng ta ra tốt hơn chúng ta từng sống trước đó.
Vì thế, thay vì cứ than khóc cho tình trạng bẽ mặt của mình, chúng ta phải tiến tới. Tội lỗi có thể có những hậu quả mà với chúng chúng ta phải sống cho phần đời còn lại của mình, nhưng tội lỗi đã được ăn năn có thể tác động làm ích cho. Đức Chúa Trời lấy điều tệ hại nhất mà chúng ta có thể làm ra rồi biến nó thành phần ích mà Ngài đã hứa cho. Ngài là Đức Chúa Trời của những sự rồ dại và thất bại và là Đức Chúa Trời của cơ hội khác.













MARY & MATHÊ



MARY & MATHÊ
CÂN ĐỐI THỨ TỰ NHỮNG ĐIỂM ƯU TIÊN TRONG CUỘC SỐNG
Luca 10.41-42: “Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.
Alice Mathews dùng những kinh nghiệm trong cuộc sống và tấm lòng của bà để đem đến nhận định tươi mới đối với Lời của Đức Chúa Trời. Bà là một vị giáo sĩ, vợ của một vị Mục sư, là người mẹ, người bà. Giờ đây với học vị Tiến sĩ vừa mới nhận được, bà là đương kim Giáo Sư ở Thần Học Viện Gordon Conwell.
Chỉ có một phụ nữ bận rộn mới hiểu được tấm lòng của Mathê, một phụ nữ bận bịu, làm việc quá tải trong Tân Ước. Cũng phải có một phụ nữ có tấm lòng chuyên suy gẫm mới ham thích ở nơi chơn của Chúa mình để hiểu rõ tấm lòng của Mary, là em của Mathê.
Tôi tin Alice đúng là một phụ nữ như thế. Và bà chia sẻ mọi nhận định của bà về Mary và Mathê trong những trang sách sau đây.
Martin R. De Haan II Hội Trưởng Hội Truyền Giáo RBC
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG THÀNH CÔNG TRONG HAI THẾ GIỚI (PHẦN I)
Phấn đấu để được coi trọng
Khi tôi học lớp 5, tôi bắt đầu học biết cái điều được gọi là “khoa nội trợ”. Đến khi tôi lên trung học, danh xưng được đổi thành “kinh tế gia đình”. Tôi hiểu danh xưng ấy trong course đại học giờ đây đổi thành “sinh thái học về con người”. Bởi bất kỳ danh xưng nào, thì nó cũng y như nhau mà thôi:
một học kỳ cho nấu ăn
một học kỳ cho may vá
một học kỳ cho nấu ăn
một học kỳ cho may vá
Quí vị có thể tìm thấy chính mình trong một phương thức tương tự.
Tôi không dám chắc tôi ghét cái nào nhất – nấu ăn hay may vá. Lúc được 10 tuổi, tôi không thể phân các quả trứng ra sao cho gọn gàng hoặc ghép hai đường viền của miếng vải để may cho thẳng hàng được. Tôi nhớ gần như tôi đã tốn rất nhiều thời gian trong các phòng học về khoa nội trợ.
Chúng ta học may đồ bằng cách sử dụng máy may đạp bằng chân. Khi ấy chưa có điện như bây giờ đâu. Khi tôi dừng chân đứng lại ở một tiệm vải để chọn một mẫu, tôi liếc nhìn một loạt máy may hiện đại đang trưng bày ở đó – loại máy may bằng điện chạy bằng máy tính hoá, thật là kỳ diệu! Tôi cũng để ý thấy một thứ đã thay đổi kể từ khi tôi được giới thiệu môn nội trợ cách đây 50 năm. Ở mặt trước máy may phía bên trên cây kim là mặt đồng hồ điều chỉnh lực căng của sợi chỉ khi máy chạy.
Để có một đường may chắc chắn một sợi chỉ chạy từ ống ở phía trên và một sợi chỉ khác từ suốt chỉ ở bên dưới phải đan cài vào nhau thật êm ả và chặt chẽ lên đường may của miếng vải. Một cô thợ may có kinh nghiệm phải kiểm tra lực căng của sợi chỉ và thực hiện phần điều chỉnh từng phút một trên mặt đồng hồ vì cô ta hiểu rõ tầm quan trọng của lực căng, vì thế mới điều chỉnh sao cho thật phù hợp.
Có nhiều lúc khi tôi đạp máy may, tình cờ tôi đụng phải mặt đồng hồ điều chỉnh đó. Tôi nghe thấy những tiếng kêu click-click, chúng cho tôi biết tôi đã làm đảo lộn sự cân đối của sợi chỉ ở phía trên và sợi chỉ ở bên dưới bàn máy. Tôi biết các đường chỉ sẽ không còn chạy đúng mức và dày chắc như trước nữa, cho tới khi nào tôi điều chỉnh lại lực căng đó. Mọi hoạt động khác phải dừng lại cho tới khi tôi đã làm cho hình thái đan cài của hai luồng chỉ đã được thích ứng như trước.
Khi tôi đọc Luca 10.38-42 xong, tôi suy nghĩ về mặt đồng hồ căng lực trên chiếc máy may của tôi. Luca đã viết về một bữa ăn tối được tổ chức tại một ngôi nhà trong vùng Bêthany:
“Khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đờn bà, tên là Ma-thê, rước Ngài vào nhà mình. Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chơn Chúa mà nghe lời Ngài. Vả, Ma-thê mảng lo việc vặt, đến thưa Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi. Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.
Đây là bối cảnh: Một ngày nóng bức cuối mùa mưa khi mùa hè vừa bắt đầu. Một ngôi làng tường vôi trắng nằm trên sườn đồi cách thành Jerusalem khoảng 2 dặm đường. Ngôi nhà của Mathê, có lẽ là một goá bụa lo liệu rất giỏi cho hai anh em: em gái là Mary và anh trai là Laxarơ.
Nàng nghinh tiếp Chúa Jêsus cùng các môn đồ của Ngài đến nhà nàng ở Bêthany. Nàng vội vã sắp xếp một chỗ ngồi thích đáng cho Chúa Jêsus, kế đó nàng dọn thứ nước mát cho từng người khách của mình. Nàng ra hiệu cho Mary đang đổ đầy thau nước đặt gần cửa ra vào, rồi đi lấy khăn và bắt đầu rửa từng bàn chơn cho mỗi người khách ấy. Các môn đồ của Chúa Jêsus tự họ tìm chỗ ngồi quanh căn phòng rộng lớn đó, họ đang ôn lại các sự cố đã xảy ra trong ngày. Dân làng bắt đầu tụ tập lại ở trước cửa, họ muốn bước vào bên trong để lắng nghe vị Rabi cao cả là Chúa Jêsus rao giảng.
Đây không phải là lần đầu tiên Ngài viếng thăm Bêthany đâu. Những người trong thị trấn đã nghe đồn đại về những truyện tích đầy kinh ngạc của Ngài trước đó rồi. Có lẽ Ngài sẽ nói cho họ biết thêm nhiều điều nữa. Một vài người len vào rồi ngồi xuống phía ngoài vòng các môn đồ. Mathê và Mary chiếm một chỗ nơi chơn của Chúa Jêsus để học hỏi từ nơi Ngài quả là điều rất dễ dàng. (Luca 10.39 trong bản Kinh Thánh NKJV chép rằng Mary cũng đã ngồi nơi chơn Chúa Jêsus rồi).
Tôi không biết Mathê đã ngồi ở đó bao lâu để lắng nghe Chúa Jêsus rao giảng. Thế nhưng tôi có một cảm giác rằng nếu nàng là một kẻ giống như tôi, nàng đã ngồi đấy trong ngày đó với một tâm trí phân hai. Rốt lại, đây là 13 người đờn ông sẽ đói khát và cần được ăn uống. Có cái gì trong tay để cho họ ăn không? Làm sao cho mọi thứ đều sắp sẵn chứ? Phải chăng nàng cần phải chổi dậy rồi chạy tới một cửa hàng để mua gạo và chút ít trái cây?
Tôi thông cảm cho Mathê. Tôi biết chính xác nàng sẽ làm gì khi nàng ngồi ở đó. Trước tiên, nàng thực hiện một cuộc kiểm kê trong trí mọi thứ đang có sẵn trong bếp. Sau đó, nàng hoạch định thực đơn, biết chắc mình sẽ không bỏ sót một thứ gì. Thế rồi nàng lập một danh sách ở trong đầu mình các phần việc cần phải được thực thi. Khi đã suy nghĩ mọi thứ rồi, nàng kín đáo liếc nhìn quanh căn phòng để xem coi con đường tốt nhứt từ chỗ nàng ngồi băng qua đám đông để vào căn bếp cho thật nhanh. Khi nàng đã nhắm được rồi, nàng không thể ngồi ở đó lâu hơn nữa. Nàng phải bắt tay làm việc! Rốt lại, nàng là bà chủ nhà. Làm thoả mãn mọi nhu cần của thực khách chính là trách nhiệm của nàng. Không một ai sẽ suy nghĩ về Laxarơ và Mary là thiếu sót nếu bữa ăn không được xứng đáng. Nỗi xấu hổ sẽ quy hết về cho nàng. Giờ đây không còn có thì giờ để ngồi nghe Chúa Jêsus giảng nữa – có lẽ công việc đã được bắt đầu ngay sau đó.
Một lần nữa, ở trong gian bếp đó, nàng cảm nhận được sự phấn khích dâng tràn đến với phần nhiều người trong chúng ta khi chúng ta sắp sửa làm một việc gì đó đặc biệt cho người mà chúng ta rất quan tâm. Chúng ta mong muốn mọi sự phải được toàn hảo – phải, ít nhất là phải gần trọn vẹn mới được. Tình cảm làm cho chúng ta thêm năng lực. Chúng ta rất phấn khởi bởi cơ hội bày tỏ ra tình cảm của chúng ta dành cho thực khách rất đặc biệt nầy.
Quí vị có thể nhìn thấy Mathê, giờ đây đang ở trong khu bếp quen thuộc của nàng, xoay trở trong một cơn lốc hoạt động, có phải không? Thứ nhứt, lấy mấy thứ đậu nấu với hành tỏi. Kế đó chuẩn bị nướng thịt chiên. Xay bột nặn thành bánh rồi đem hấp. Tiếp đến, chuẩn bị trái vả cùng trái lựu. Đổ nước trộn với rượu. Dọn bàn. Đảo các thứ đậu trên chảo. Trở thịt chiên cho chín đều. Khởi sự hấp bánh.
Liếc nhìn qua cửa sổ nhìn thấy vị trí của mặt trời trên bầu trời, Mathê đột nhiên nhận ra chẳng mấy chốc nữa thì tới giờ ăn rồi và nàng vẫn chưa làm món xong. Nàng đã cảm nhận được điều mà tôi đã có khi tôi đang ở trạng thái sốt sắng nhất, chỉ nhận biết rằng mình đang đốt thời gian mà chẳng thể hoàn tất được mọi thứ mà mình tính làm. Khi rơi vào sự thể ấy, tôi đã tức giận – và tức giận với bản thân mình cùng tức luôn cả người nào đã làm ra một sự khác biệt trong lúc tôi muốn mọi dự tính đều phải được hoàn thành.
Tôi e rằng đấy là điều đã xảy đến cho Mathê. Thình lình mọi dự tính và công việc đã khởi sự như một sự vui vẻ, thoải mái giờ lại trở thành chua chát, gắt gỏng. Luca cho chúng ta biết trong câu 40 rằng nàng bị cuốn hút vào mọi sự cụ bị mà nàng đang bắt tay làm. Nàng càng chịu khó làm việc, nàng càng trở thành cuống rối với công việc.
Đây là lỗi của Mary. Nếu Mary có mặt ở đó để phụ giúp cho Mathê, mọi chuyện có lẽ sẽ khác đi.
Nàng càng chịu khó làm việc, nàng càng trở thành cuống rối với công việc.
Hết thảy chúng ta đều biết rõ cảm xúc ấy, có phải không? Có đủ thứ việc để lo làm đủ là điều tồi tệ rồi đấy. Còn tệ hại hơn nữa khi có ai đó chúng ta nghĩ sẽ phụ giúp mình hạ bớt gánh nặng xuống lại chẳng làm gì hết. Trạng thái bực tức của chúng ta về sự bất công của công việc chẳng bao lâu sẽ bộc lộ ra mà thôi.
Đấy là những gì đã xảy ra cho Mathê. Trong câu 40, sau cùng nàng đã thốt ra:
“Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi”.
Há chẳng thú vị sao, ấy là Mathê đã trút sự bực bội của mình với Chúa Jêsus, chớ không phải với Mary. Có lẽ nàng đã cố gắng rồi, nhưng chẳng thành công trong việc khiến cho Mary để mắt tới mà đứng dậy phụ giúp nàng. Hoặc giả nàng đã dùng khuỷu tay thúc Mary, nhưng bị Mary bất chấp cái khuỷu tay ấy rồi cứ tiếp tục lắng nghe Chúa Jêsus rao giảng.
Hết thảy chúng ta đều có nhiều cách thức chúng ta sử dụng để giúp cho người khác nhận lấy một sứ điệp. Chúng ta tằng hắng. Chúng ta nhịp mấy ngón tay lên mặt bàn. Chúng ta tạo ra các động tác để gây sự chú ý. Khi người ta bất chấp, chúng ta càng cảm thấy bực tức thêm.
Bất cứ điều chi đã xảy ra, Mathê đã thưa trực tiếp với Chúa Jêsus, nàng tố cáo Ngài chẳng quan tâm chi đến nàng. Nàng dám chắc như thế, nếu Ngài thực sự quan tâm, Ngài sẽ bảo Mary chổi dậy mà phụ giúp nàng.
Tôi nghĩ bởi câu nói ấy Mathê đã gắn sự quan tâm của Chúa Jêsus đối với nàng với sự Ngài bằng lòng bảo Mary phải phụ giúp nàng làm công việc. Mathê nghĩ nàng biết rõ thể nào Chúa Jêsus sẽ bày tỏ lòng quan tâm của Ngài – bằng cách làm cho gánh nặng của nàng được nhẹ đi.
Đấy là điều mà chúng ta thấy Ngài đang làm một cách chính xác, dù không theo cách mà nàng đang mong đợi. Trong phần đáp ứng của Ngài, chúng ta học biết nhiều về địa vị môn đồ của chúng ta là những người nữ Cơ đốc :
“Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.
Nan đề không nằm trong công việc mà Mathê đang lo làm. Chính thái độ khó chịu, bực dọc và lo lắng của nàng đã tạo ra trạng huống tồi tệ đó. Chúa Jêsus vốn biết rõ Mathê đặt quá nhiều căng thẳng vào những việc không quan trọng. Nan đề của Mathê là nan đề về sự cân đối, về sự nắm bắt nhịp sống trong một lực căng thích ứng. Hãy nhìn kỹ hơn câu nói Chúa Jêsus đã phán ra và chẳng nói với người phụ nữ có gánh nặng chồng chất nầy.
Nan đề của Mathê là nan đề về sự cân đối, về sự nắm bắt nhịp sống trong một lực căng thích ứng.
Trước tiên, Chúa Jêsus không quở trách nàng vì mãi mê lo chuẩn bị cho Ngài và các môn đồ Ngài. Nếu nàng là chủ trong ngôi nhà đã quyết định không lo dọn các thức ăn, thì thực khách của nàng sẽ lâm vào chỗ đói khát. Mọi điều diễn ra trong căn bếp ở Bêthany đó rất là quan trọng.
Quí vị có nhớ Chúa Jêsus đã phán gì với Satan khi bị cám dỗ trong đồng vắng ngay lúc khởi đầu chức vụ công khai của Ngài chăng? Trong Mathiơ 4.4 chúng ta đọc: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi”. Chúa Jêsus không nói: “Người ta không sống nhờ vào bánh”. Chúng ta đang sống nhờ vào bánh đây. Chúng ta có thân thể phải được ăn uống no đủ. Chúa Jêsus vốn biết rõ như thế và đã cho người ta ăn – một lúc những 5000 người.
Nhưng Chúa Jêsus cũng biết rõ con người không chỉ có thân thể thôi đâu. Chúng ta không sống chỉ nhờ bánh mà thôi. Nuôi dưỡng linh hồn chúng ta ít nhất cũng là việc quan trọng như nuôi thân thể vậy. Nan đề của Mathê không phải là lo dọn đồ ăn cho thực khách của mình ăn. Điều đó quả là cần thiết đấy, song trong vai trò chủ nhà của mình, địa vị của nàng là nhìn thấy mọi sự được thực thi mỹ mãn. Thế nhưng nàng đã xem vai trò đấy là quá quan trọng. Thay vì lo dọn một bữa ăn đơn sơ, nàng đã gắng sức gây ấn tượng với một bữa ăn quá thịnh soạn. Thế rồi Chúa Jêsus bảo nàng rằng một đĩa thức ăn cũng là đủ rồi.
Hết thảy chúng ta đều có trách nhiệm chúng ta cưu mang mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đi đến sở làm. Chúng ta nấu nướng. Chúng ta chấm điểm bài thi. Chúng ta dọn dẹp nhà cửa. Chúng ta giặt ủi đồ đạt. Chúng ta đang làm mọi công việc nầy, và chúng ta mong muốn làm cho các công việc ấy được mỹ mãn. Dorothy Sayers nhắc cho chúng ta nhớ rằng chẳng có một cái chân bàn nấu ăn nào mà không xuất ra từ phân xưởng của người thợ mộc ở Nazarét. Đức Chúa Trời không được tôn cao bởi việc làm xấu hay sự chễnh mãng trong các bổn phận cần thiết của chúng ta trong cuộc sống.
Chúng ta phải biết chắc rằng sự cần thiết không đi quá sự cân xứng và bóp méo đời sống của chúng ta.
Chúng ta phải biết chắc rằng sự cần thiết không đi quá sự cân xứng và bóp méo đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn phương tiện và cứu cánh. Khi thiếu suy nghĩ, chúng ta có thể đổi cái điều là phương tiện sống cho Đức Chúa Trời thành một cứu cánh. Khi chúng ta nắm lấy cái điều không quá quan trọng rồi biến nó thành chính yếu cho đời sống chúng ta, cái điều vô hại có thể trở thành một vầng đá vấp chơn cho chúng ta.
Một trong những việc mà Chúa Jêsus đã nhìn thấy vào buổi trưa hôm đó cách đây 2000 năm, ấy là Mathê đã xem thường sự việc mà Mary đã chọn làm. Mathê đã xem trọng hệ thống giá trị của mình – có lẽ một ngôi nhà khá giả và chắc chắn một bữa ăn thịnh soạn nữa – và bắt Mary phải làm theo mình. Nếu sự rộn ràng, lăng xăng đó là “cần thiết” đối với Mathê, thì nó cũng cần thiết cho cả Mary nữa.
Hãy lưu ý rằng Chúa Jêsus không bảo Mathê phải làm theo điều mà Mary đang làm. Đồng thời, Ngài chỉ ra rằng Mary đã chọn phần tốt nhứt. Khi nói như vậy, Chúa Jêsus đã chơi chữ không xuất phát từ các bản dịch Anh ngữ. Thực ra Ngài đang phán như sau: “Hỡi Mathê, ngươi đang lo dọn nhiều đĩa ăn cho chúng ta, còn Mary đã sửa soạn một đĩa ăn mà ngươi không thể đem đặt trong căn bếp của ngươi được”. Trong khi đồ ăn là cần thiết, có cái gì đó đơn sơ hơn sẽ là tốt hơn, ấy là Mathê cứ nên tiếp tục ngồi xuống với Mary và học hỏi từ Đấng Christ.
Quí vị có nghĩ Chúa Jêsus hơi có chút gay gắt với Mathê không? Rốt lại, nàng đang làm mọi việc nầy mong đẹp lòng Ngài. Tuy nhiên quí vị có nghĩ là Ngài đã đẹp lòng với lời thỉnh cầu Ngài bảo Mary đứng dậy phụ giúp nàng không? Quí vị có nghĩ Mary vui lòng khi bị làm bẽ mặt theo cách đó không? Quí vị có nghĩ các môn đồ cùng những người lân cận vui lòng khi Thầy bị ngắt ngang theo cách ấy chăng? Và còn bản thân Mathê thì sao? Quí vị có nghĩ là nàng sẽ thấy vui sướng không? Chúng ta biết khi chúng ta chỉ chực muốn những thứ gì đó cho bản thân mình và người khác ở xung quanh chúng ta. Và Mathê đã hăm hở muốn những thứ đó.
Khi quí vị hình dung ra bối cảnh nầy trong lý trí, có phải đúng hình ảnh Mathê hiện ra trong đầu của quí vị không? Elisabeth Moltmann-Wendel cho rằng bất cứ khi nào bà nghĩ tới Mathê, bà nhớ đến quyển Kinh Thánh bằng tranh của thiếu nhi. Trong đó, Mary đang ngồi nơi chơn Chúa Jêsus lắng nghe, còn Mathê thì ở phía sau, người tựa vào cửa bếp với cái nhìn cau có, không vui trên gương mặt của nàng.
Khi chúng ta nghĩ tới hai chị em nầy, chúng ta có khuynh hướng tưởng tượng Mary với sự thánh thiện toả ra chung quanh nàng, và chúng ta gắn Mathê với dầu ôlive và con cá.
Khi có người nói: “Cô ấy là mẫu người của Mathê”, chúng ta biết ngay câu nói ấy có nghĩa gì rồi. Một mẫu người rất thực tế, giỏi giang. Mathê chắc chắn rất hoàn hảo và cần thiết. Hội thánh sẽ trở thành một nơi vững vàng nếu hết thảy chúng ta đều là Mary. Nhưng khi cần phải vẽ ra một mẫu người hay một lý tưởng, thì Mary chính là người đó. Nếu chúng ta suy nghĩ tới sự việc nầy, thì chúng ta sẽ phải lúng túng ngay. Công việc của Mathê quả là cần thiết – trong nhà thờ hay tại gia đình. Thế nhưng Mary lại được nổi bật hơn.
Mathê, được gọi là thánh đồ hàng đầu của những bà nội trợ chuyên nấu nướng, lại rơi vào vị thế hạng nhì. Martin Luther đã viết: “Mathê, công việc của nàng sẽ bị quở phạt và bị kể là vô ích…..Tôi sẽ chẳng chọn một công việc nào khác hơn công việc của Mary”.
Câu nói nghiệt ngã quá! Vì vậy tôi cảm thấy một chút ngượng ngịu khi có ai đó cho tôi là một Mathê. Thế nhưng Martin Luther đã không đúng rồi. Công việc của Mathê không bị quở phạt và bị kể là vô ích đâu. Thái độ của Mathê cần phải sửa đổi. Nhận định của Mathê cần phải thay đổi. Nhưng việc làm của Mathê là tốt đẹp và cần thiết. Thực tế cho thấy, là các môn đồ của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta cần phải vừa có cả Mathê vừa có cả Mary trong mỗi một người chúng ta.
BÀI HỌC 1:
+ PHẤN ĐẤU ĐỂ ĐƯỢC COI TRỌNG
* Mathiơ 4.4: “Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.
* Mục tiêu: Học biết phương thức cân đối thứ tự ưu tiên lối sống thực tế và thuộc linh trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
* Học thuộc lòng câu gốc Mathiơ 4.4
* Đọc: hết phần “Phấn đấu để được coi trọng”
+ Khởi động:
Quí vị có thông cảm với Mathê và tính thực tế của nàng, hay thông cảm với Mary và sự tin kính của nàng? Hãy giải thích.
+ Suy gẫm:
Hãy xem lại câu: “Chúng ta phải biết chắc rằng sự cần thiết không đi quá sự cân xứng và bóp méo đời sống của chúng ta”. Đâu là một số điều “cần thiết” có thể vượt quá sự cân xứng trong đời sống của quí vị? Chúng bóp méo đời sống ấy như thế nào?
Khi chúng ta đọc câu: “Công việc của Mathê quả là cần thiết – trong nhà thờ hay tại gia đình. Thế nhưng Mary lại được nổi bật hơn”. Quí vị đã kinh nghiệm sự bất công giống như thế nầy chưa? Một “Mathê” muốn được nổi bật, được khen ngợi thì phải làm sao?
Martin Luther đã nói: “Mathê, công việc của nàng sẽ bị quở phạt và bị kể là vô ích…..Tôi sẽ chẳng chọn một công việc nào khác hơn công việc của Mary”. Quí vị có đồng ý với quan điểm của Luther về Mathê và Mary không? Tại sao?
+ Đào sâu:
* Câu gốc: Mathiơ 4.1-4
Nội dung của câu 1 là sự cám dỗ của Đấng Christ trong đồng vắng. Chúa Jêsus đã đáp ứng với sự cám dỗ đặc biệt nào? [câu 3]. Tại sao Chúa Jêsus dễ bị hại trước sự cám dỗ nầy? [câu 2]. Ngài phản ứng như thế nào?
Chúa Jêsus đã sánh Lời Đức Chúa Trời với bánh trong câu 4. Các thành phần nào của bánh tạo thành một sự ví sánh thích đáng với Kinh Thánh?
Sự ví sánh về bánh của Chúa Jêsus và Kinh Thánh nói tới các thứ tự ưu tiên khác nhau mà Mathê và Mary đã tỏ ra như thế nào trong phần phân tích ở trên? Theo cách nói riêng của quí vị, hãy trình bày lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mathiơ 4.4 giống như thể chúng được nói ra với Mathê vậy.
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Hãy so sánh Lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mathiơ 4.4 với hai câu khác – Giăng 6.35 và I Phierơ 2.2. Chúng giống nhau ở chỗ nào? Chúng khác nhau ở chỗ nào?
- Suy gẫm:
Làm việc cật lực hay suy gẫm thuộc linh – quí vị nghĩ điều nào là dễ hơn? Tại sao? Quí vị thích điều nào hơn? Tại sao?
Có phải thời gian ở riêng với Đức Chúa Trời mỗi ngày là ưu tiên một trong đời sống quí vị không? Nếu thực vậy, quí vị sẽ làm gì để giữ vững thời gian ở riêng với Ngài? Nếu không phải, quí vị cần những bước nào để ngày càng đầu phục hơn trong cách ăn ở cá nhân của quí vị với Đấng Christ?
Mathiơ 4.1-4: “Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ. Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.
Giăng 6.35: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát”.
I Phierơ 2.2: “thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG THÀNH CÔNG TRONG HAI THẾ GIỚI (PHẦN II).
Phấn đấu để có được sự cân đối
Ở phần đầu Luca 10 chúng ta thấy câu chuyện nói tới một thầy dạy luật, ông nầy tính gài bẫy Chúa Jêsus bằng cách hỏi Ngài ông ta phải làm gì để được sự sống đời đời!?! Chúa Jêsus hỏi ngược lại ông ta một câu rất đơn sơ: “Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” Thầy dạy luật đã đáp lại với hai câu nói quan trọng rút ra từ Phục truyền luật lệ ký 6.5 và Lêvi ký 19.18 – chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn và hết trí yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời và yêu kẻ cân cận như mình.
Thầy dạy luật đưa ra câu trả lời tuyệt đối là phải lẽ. Chúa Jêsus nhất trí, Ngài đáp: “Ngươi đáp phải lắm, hãy làm điều đó thì được sống”.
Thầy dạy luật có thể dừng lại ở đó, thế nhưng ông ta đã không chịu như thế. Ông ta ép Chúa Jêsus với một câu hỏi khác: “Ai là người lân cận tôi?” Để trả lời cho câu hỏi ấy, Chúa Jêsus đã thuật lại một trong những câu chuyện kỳ diệu nhất khiến chúng ta phải lấy làm kinh ngạc.
Câu chuyện kể lại một người đi từ thành Jerusalem xuống thành Giêricô trên một con đường đầy bụi bặm. Có mấy tên cướp tấn công, trấn lột, đánh đập rồi bỏ người hòng chết. Trước tiên, có một thầy tế lễ trờ đến. Ông nầy mới vừa hoàn tất xong tuần lễ phục vụ tại đền thờ ở thành Jerusalem và đang trên đường về nhà đón năm mới. Ông ta nhìn thấy kẻ đáng thương nầy, nhưng đi đường khác để tránh tiếp xúc với kẻ đó. Thế rồi có một người Lêvi đi tới. Người Lêvi trong xứ Israel thuộc thế kỷ đầu tiên là những thầy tế lễ thuộc giai cấp thấp, họ chuyên ca hát trong giờ dâng của lễ, và họ là những người giữ cửa và là tôi tớ cho các thầy tế lễ thuộc giai cấp cao hơn. Người Lêvi, giống như thầy tế lễ nọ, đã liếc nhìn kẻ bị trọng thương kia và đi ngang qua ở phía lề đường bên kia.
Người thứ ba trờ đến lại là người Samari, bị xem khinh bởi người Do thái. Quí vị phải nhận biết người Do thái vốn ghét cay ghét đắng người Samari đến ngần nào thì mới rõ câu chuyện nầy đã gây sốc dường bao khi Chúa Jêsus nhắc tới người Samari đang trờ đến. Con người ngoại bang từng bị xem khinh nầy đã trông thấy kẻ đáng thương nọ, rồi thay vì làm y như những người Do thái tôn giáo đã làm, ông ta dừng lại, mặc quần áo rồi băng bó các vết thương của kẻ tội nghiệp đó, đặt người lên lưng lừa của mình, và đưa vào nhà quán, ở đó săn sóc cho người. Thậm chí ông ta còn trả tiền cho chủ nhà quán cứ tiếp tục săn sóc cho kẻ tội nghiệp kia trong khi ông ta đi lo liệu công việc của mình.
Đâu là chỗ đáng nói chứ? Khi Chúa Jêsus kể xong câu chuyện. Ngài đã hỏi thầy dạy luật xem ông ta nghĩ ai là người lân cận của kẻ tội nghiệp kia. Tất nhiên, thầy dạy luật phải nói: “Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người” (câu 37). Và Chúa Jêsus đáp: “Hãy đi, làm theo như vậy”.
Há đấy chẳng phải là điều mà Mathê đã làm sao? Há nàng chẳng nhọc công để đối xử tử tế với Chúa Jêsus và các môn đồ sao? Há chẳng phải là nàng đã lo làm phu phỉ nhu cần của người khác sao? Chắc là như thế rồi! Há nàng chẳng phải là một “người Samari nhơn lành” trong khi Mary bất chấp mọi nhu cần theo phần xác của các thực khách giống như hai người Do thái tôn giáo kia đã bất chấp kẻ bị cướp đánh nầy sao?
Hãy xem lại câu trả lời mà Chúa Jêsus đã từng khen ngợi thầy dạy luật vào thế kỷ đầu tiên đó: “chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn và hết trí yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời và yêu kẻ cân cận như mình”.
Đây không phải là thắc mắc về việc đem cuộc sống đời và cuộc sống đạo ra mà đối chiếu đâu. Đây là vấn đề của những điều cần phải ưu tiên.
Hãy lưu ý trình tự của hai cái yêu mến kia: trước tiên là yêu mến Đức Chúa Trời, kế đến là người lân cận. Không có một con đường vòng nào khác. Đây không phải là thắc mắc về việc đem cuộc sống đời và cuộc sống đạo ra mà đối chiếu đâu. Đây là vấn đề của những điều cần phải ưu tiên. Chúng ta đặt việc lắng nghe và học hỏi Lời Đức Chúa Trời trước công tác phục vụ. Điều nầy trang bị và khích lệ chúng ta cho sự phục vụ của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời và cho tha nhân.
Điều Chúa Jêsus mong muốn trong thời buổi đó không phải là các thứ đậu và chiên con của Mathê, mà là chính bản thân Mathê. Có cái đĩa ăn duy nhứt mà nàng không thể dọn ở trong bếp là mối tương giao của nàng với Đức Chúa Trời. Nàng có thể dọn cái đĩa ăn ấy chỉ bởi cách ngồi lại nơi chơn của Chúa Jêsus rồi để Ngài cung ứng đồ ăn cho linh hồn của nàng mà thôi.
Mathê muốn Chúa Jêsus làm cho gánh nặng của nàng được vơi nhẹ đi trong ngày đó. Ngài đã làm đúng y như thế, nhưng không phải theo cách mà nàng đã dự trù. Ngài vốn biết rõ mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời không phát triển ở giữa sự bận rộn nấu nướng đâu. Việc cần thiết duy nhất là lắng nghe Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta. Mary đã chọn đặt thời gian vào mối tương giao thiết yếu đó và không bị cuốn hút vào những việc vặt.
Một nhà giải kinh đã viết: “Mathê đáng phải trở thành một Mary, và Mary thật cũng đáng phải trở thành một Mathê; cả hai đều là chị em ruột mà”. Câu nói nầy đưa tôi trở lại với mặt đồng hồ điều chỉnh lực căng trên chiếc máy may của tôi. Nếu lực căng trên ống chỉ quá lỏng lẻo, thì máy sẽ kêu lên khi chúng ta đạp bàn máy. Đường chỉ may sẽ không vững chắc được. Vì áp lực trên đường chỉ không đủ sức. Việc duy nhứt cô thợ may có thể làm là rút hết chỉ ra, điều chỉnh lại lực căng, rồi bắt đầu lại.
Khi chúng ta sắp xếp thứ tự ưu tiên phải lẽ rồi, Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta thực thi những điều cần phải làm – với sự vui vẻ và thoả lòng.
Chúng ta cũng không có được đường may khả thi nếu các sợi chỉ không ăn khớp với nhau từ ống chỉ bên trên với suốt chỉ ở bên dưới. Chúng ta sẽ cố may suốt cả ngày với duy nhứt ống chỉ ở bên trên bàn máy mà chẳng có chỉ trong cái suốt chỉ ở trong thuyền phía dưới. Chúng ta sẽ không có một đường chỉ may đơn độc cho được. Sợi chỉ Mathê và sợi chỉ Mary cả hai phải ăn khớp với nhau và đan quyện vào nhau nếu chúng ta muốn có một đường may trọn vẹn. Sự cân đối giữa hai đường chỉ cần phải được điều chỉnh cho sát sao nếu muốn có đường may khắng khít chặt chẽ.
Chúng ta đang sống trong thế gian nầy. Điều nầy có nghĩa là chúng ta phải lo cho bản thân mình với đồ ăn, quần áo, nhà cửa, gia đình, công ăn việc làm, và học hành. Nhưng chúng ta cũng đang sống trong thế giới của tâm linh nữa. Chúng ta tự lo cho bản thân mình bằng mối tương giao của mình với Đức Chúa Trời. Đấy là nan đề thực sự của Mathê. Nàng đang may mà chẳng có một sợi chỉ nào trong cái suốt cả.
Để làm cho sự phục vụ của chúng ta ra đúng mức, chúng ta phải sắp đặt những công việc có trước có sau. Chúng ta để cho Chúa Jêsus phục vụ chúng ta trước khi chúng ta đi ra phục vụ cho Ngài. Đấy là trình tự của Đức Chúa Trời: trước hết chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời, rồi chúng ta được sửa soạn cho để đi ra và yêu kẻ lân cận như mình. Khi chúng ta đảo ngược trình tự đó, chúng ta sẽ kết thúc với cảm xúc bị quá tải và không được hoan nghênh cho lắm. Khi chúng ta giữ trình tự công việc có trước có sau song hành với trình tự của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta thực thi mọi điều cần phải lo làm – với sự vui vẻ và thoả lòng.
BÀI HỌC 2:
+ PHẤN ĐẤU ĐỂ CÓ ĐƯỢC SỰ CÂN ĐỐI
* Phục truyền luật lệ ký 6.5: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.
* Mục tiêu: Học biết cân đối công việc thực tế và thuộc linh trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
* Học thuộc lòng Phục truyền luật lệ ký 6.5
* Đọc: hết phần “Phấn đấu để có được sự cân đối”
+ Khởi động: Lập một danh sách 5 điểm ưu tiên một trong đời sống của quí vị. Những điểm nào là thường xuyên và điểm nào là tạm thời? Hãy giải thích.
+ Suy gẫm:
Trong thí dụ nói về Người Samari Nhơn Lành trong Luca 10, kẻ bị xã hội ruồng bỏ về mặt chủng tộc lại là anh hùng và những nhà lãnh đạo tôn giáo bảo thủ lại là hạng gian ác. Có điều chi là bất thường trong cách nắm bắt nhân vật của Chúa Jêsus?
Trong phần chia sẻ trên, chúng ta đọc thấy rằng thật là khó phát triển một mối tương giao với Đức Chúa Trời ở giữa chỗ “bận rộn nấu nướng” kia. Làm sao để khả thi cho quí vị cả “bận rộn cho” và “tin kính cho” Chúa chứ?
Tác giả gắn việc thiếu vui vẻ trong chức vụ với việc thiếu tin kính dành cho Chúa. Quí vị đồng ý hay không đồng ý? Tại sao? Điều gì bị kể là thiếu vui mừng?
+ Đào sâu:
* Câu gốc: Luca 10.25-28
Khi thầy dạy luật muốn thử Chúa Jêsus, ông ta đã đưa ra câu hỏi về sự sống đời đời. Chúa Jêsus đã chỉ cho ông ta thấy cái gì, và thầy dạy luật đã trả lời câu hỏi của Chúa Jêsus như thế nào?
Phân đoạn nầy nói tới bốn yếu tố nào trong đời sống chúng ta cần phải có trong sự yêu mến Đức Chúa Trời? Mỗi yếu tố bước vào mối tương giao đó như thế nào?
Phần nầy mô tả về tình cảm có quan hệ như thế nào với hoạt động của Mathê trong Luca 10? Với sự tin kính của Mary?
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Hãy so sánh Luca 10.27 với các câu nói ở Phục truyền luật lệ ký 6.5 và Lêvi ký 19.18. Chúng có phù hợp với nhau như thế nào, quan trọng ra sao khi đối chiếu tình yêu thương với hận thù và cay đắng?
- Suy gẫm:
Có bao giờ quí vị thấy không thoả thích vì các thứ của lễ quí vị dâng lên và sự thờ phượng quí vị dành cho nhà thờ của mình chăng? Nếu quí vị có thấy thoả thích như vậy, hãy chia sẻ một trường hợp đặc biệt. Bài học nầy bằng cách nào đã giúp cho quí vị hiểu biết lý do tại sao quí vị cảm nhận được như thế?
Luca 10.27 cung ứng cho chúng ta một tham khảo đúng đắn về thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Trình tự các công việc phải như thế nào mới là hiệp nghi? Quí vị có cần phải tái sắp xếp lại trong chính đời sống của mình không?
Luca 10.25-28: “Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống”.
Phục truyền luật lệ ký 6.5: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.
Lêvi ký 18.18: “Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ẤP Ủ HY VỌNG TRONG KHI BỊ MẤT MÁT (PHẦN I).
Thất vọng khi mất mát
Khi chồng tôi hoàn tất phần học vấn của mình ở Thần học viện Denver vào năm 1956, chúng tôi bước vào chức vụ lần đầu tiên ở một thị trấn nhỏ miền trung Wyoming. Khi chúng tôi làm quen với các cấp lãnh đạo của Hội thánh, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao một cặp vợ chồng đã đứng tuổi. Gene, một thợ mộc đã nghỉ hưu, ông đến tại nhà thờ mỗi buổi sáng để giúp dựng thêm một gian nhà nhỏ để dạy đạo trong nhà thờ. Mae cũng thường đến phụ giúp. Chúng tôi công nhận sự đầu phục không mệt mỏi đối với Đức Chúa Jêsus Christ và với Hội thánh của Ngài mà cả hai người đều thể hiện ra ở trước mặt chúng tôi.
Khoảng 6 tháng sau khi chúng tôi đến đó, một cú điện thoại cho hay rằng con trai duy nhứt của họ đã bị tai nạn chất nổ trong khu mỏ nghiền nát cho tới chết. Chúng tôi đã vội vàng chạy đến với Gene và Mae, chúng tôi biết họ đã phấn đấu với cú sốc và sự không tin của họ. Tai nạn nầy trở thành một sự dằn vặt đối với họ khi họ phải nếm trải nỗi đau khổ. Thế nhưng chúng tôi dám chắc họ sẽ vượt qua. Hết thảy họ đều có những nguồn lực Cơ đốc trợ giúp họ trong cơn khủng hoảng nầy. Những bạn bè khác đã đến đây, và chúng tôi tin rằng cả một cộng đồng sẽ vây quanh họ, con dâu của họ, và hai cháu nội với tình yêu thương và mối quan tâm.
Một vài ngày sau tang lễ, Gene đã trở lại với công việc tình nguyện của mình trong việc xây dựng nhà thờ. Nhưng vào các ngày Chúa nhựt ông đã đi nhà thờ có một mình mà thôi. Khi chúng tôi đến với gia đình họ, chúng tôi mới thấy rằng Gene đang tìm kiếm sức lực để đối phó với nỗi đau khổ của mình, song thật là khác biệt đối với Mae.
Khi chúng tôi hỏi thăm về điều nầy, chúng tôi mới hay rằng kể từ lúc có tin tai nạn, Mae đã xây lưng bà về phía Đức Chúa Trời. Làm sao bà tin được Đức Chúa Trời là Đấng sẽ từ chối không cho họ đứa con duy nhứt và từ chối không cho mấy đứa cháu nội của họ một người cha chứ? Có lẽ Đức Chúa Trời không còn yêu thương và tử tế nữa, đồng thời lại đối xử với họ giống như một cú đấm thôi sơn vậy. Bất cứ lúc nào chúng tôi đến thăm bà, chúng tôi lắng nghe trường hợp bà chống nghịch Đức Chúa Trời. Rõ ràng là mọi điều trong cuộc sống và những gì bà tin đều không trùng khớp với nhau. Đức tin mà chúng tôi tưởng sẽ nâng đỡ bà dường như đã đẩy bà đi xa mất.
Mae nhắc cho tôi nhớ tới hai phụ nữ đã sai người đến với Chúa Jêsus khi người anh của họ đau bịnh. Nhưng Chúa Jêsus đã không đến kịp lúc để giúp đỡ họ. Sau cùng, khi Ngài xuất hiện, cả hai người đều nói với Ngài: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”. Hai chị em ruột nầy đã có đức tin đủ để tin rằng nếu Chúa Jêsus đã đến Ngài sẽ có quyền chữa lành cho người anh của họ. Thế nhưng sự thể giống như Chúa Jêsus đã để cho họ phải nãn lòng vậy.
Câu chuyện được thấy có trong Giăng 11. Sáu câu đầu tiên cho chúng ta biết sự thể nầy:
“Có một người đau, tên là La-xa-rơ, ở Bê-tha-ni, là làng của Ma-ri và chị người là Ma-thê. Ma-ri là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc mình lau chơn Ngài; chính anh người là La-xa-rơ đương đau. Vậy, hai chị em sai người đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh. Đức Chúa Jêsus vừa nghe lời đó, bèn phán rằng: Bịnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh. Vả, Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người và La-xa-rơ. Khi Ngài nghe người nầy đau, bèn ở lại hai ngày nữa trong nơi Ngài đương ở”.
Chúa Jêsus không đáp ứng theo cách Mathê và Mary đã mong Ngài sẽ đáp ứng.
Đấy là bối cảnh. Laxarơ đã mắc bịnh. Hai chị em của người, Mary và Mathê, ngay lập tức đã hướng về Chúa Jêsus là thiết hữu của họ, mong Ngài sẽ mau đến và chữa lành cho anh của họ trước khi quá trễ.
Sau khi nhận biết Chúa Jêsus vốn yêu thương hai chị em nầy, chúng ta sẽ mong Ngài ngay lập tức sẽ đến tại Bêthany để làm những gì Ngài có thể để giải phóng họ ra khỏi nỗi lo lắng và đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Jêsus đã không đáp ứng theo cách hai chị em mong mỏi. Thay vì lập tức đi ngay đến làng Bêthany, Ngài đã ở lại nơi Ngài đã ở thêm 2 ngày nữa.
Một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống, ấy là yêu thương cho phép đau khổ. Chúng ta không mong muốn theo cách thức ấy. Chúng ta muốn tin rằng nếu Đức Chúa Trời thực sự yêu thương chúng ta Ngài sẽ không cho phép điều gì đau khổ vây phủ đời sống chúng ta. Nhưng ở đây không phải là như vậy. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không bảo đảm với chúng ta một nơi ẩn trú tránh khỏi những kinh nghiệm khó khăn là những điều cần thiết cho sự tấn tới thuộc linh của chúng ta. Tình yêu thương và sự chậm trễ tương hợp với nhau.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không bảo đảm với chúng ta một nơi ẩn trú tránh khỏi những kinh nghiệm khó khăn là cần thiết cho sự tấn tới thuộc linh của chúng ta.
Nếu Chúa Jêsus lập tức đã chạy ùa đến Bêthany khi Ngài hay tin Laxarơ mắc bịnh, Mary và Mathê sẽ không bị treo lơ lửng giữa hy vọng và nỗi lo sợ – hy vọng rằng Đấng duy nhứt có quyền cứu giúp họ sẽ đến kịp lúc, lo sợ rằng Ngài sẽ đến quá trễ. Họ đã đâm lo về việc nhìn thấy Laxarơ đang lịm dần vào sự chết. Họ sẽ tránh được những phút sau cùng đó trước khi họ vuốt mắt của Laxarơ và sửa soạn lo chôn cất cho Laxarơ. Họ sẽ giải quyết sớm tình trạng trống vắng khi mất đi một người thân. Thế nhưng Chúa Jêsus đã không đến.
Ngài vốn biết rõ đây là lúc cho Mary, Mathê và các môn đồ Ngài học biết những điều mà họ không thể học được nếu Ngài can thiệp cách mau chóng. Giăng 11 cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã nắm giữ tình hình một cách trọn vẹn là thể nào! Ngài vốn biết rõ Ngài đang làm gì. Ngài vốn biết rõ sự lớn lên về mặt thuộc linh của Mathê và Mary cùng nhóm môn đồ đang đi theo Ngài đều nương vào việc phải đúng với thời điểm. Làm sao chúng ta biết được điều đó? Hãy đọc Giăng 11.7-16:
“Rồi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy trở về xứ Giu-đê. Môn đồ thưa rằng: Thưa thầy, hôm trước dân Giu-đa tìm ném đá thầy, thầy còn trở lại nơi họ sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? nếu ai đi ban ngày, thì không vấp vì thấy sự sáng của thế gian nầy. Nhưng nếu ai đi ban đêm, thì vấp, vì không có sự sáng. Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin; nhưng chúng ta hãy đi đến cùng người. Nhơn đó, Thô-ma, gọi là Đi-đim, nói với môn đồ khác rằng: Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!”
Thời điểm của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus vốn biết rõ rằng Mary và Mathê sẽ không bao giờ nhìn biết Ngài là sự sống lại và sự sống nếu Laxarơ không chết. David sẽ không nhìn biết Đức Chúa Trời là vầng đá và là đồn lũy của ông nếu ông không bị Saulơ săn đuổi trong vùng núi Ênghêđi. Người Israel sẽ không nhìn biết Đức Chúa Trời là Đấng giải phóng họ nếu họ không là nô lệ trong xứ Ai cập. Những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta có thể bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho chúng ta bằng những phương thức mới mẻ. Chúa Jêsus vốn biết rõ Ngài đang làm điều gì.
Những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta có thể bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho chúng ta bằng những phương thức mới mẻ.
BÀI HỌC 3:
+ THẤT VỌNG KHI MẤT MÁT
Giacơ 1.2-3: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục”.
+ Mục tiêu: Nhìn thấy thể nào đau khổ có thể chạm vào suy nghĩ của chúng ta về Đấng Christ.
+ Học thuộc lòng: Giacơ 1.2-3
+ Đọc: hết phần “thất vọng khi mất mát”.
+ Khởi động: Có bao giờ quí vị cảm thấy Đức Chúa Trời không lắng nghe quí vị khi quí vị cầu nguyện không? Sự thể đó khiến quí vị cảm thấy như thế nào? Đây là điều làm cho quí vị không an tâm: Đức Chúa Trời nói không với sự cầu nguyện của quí vị hay sự im lặng của Ngài? Tại sao?
+ Suy gẫm: Mary và Mathê đã lấy làm thất vọng vì Chúa Jêsus không đến đúng lúc để chữa lành cho người anh của họ trước khi Laxarơ chết. Họ cảm thấy rằng Chúa Jêsus đã làm cho họ phải nãn lòng. Quí vị có thể hồi tưởng lại thời điểm mà quí vị cảm thấy thất vọng bởi Đức Chúa Trời không? Quí vị giải quyết tình huống bằng cách nào?
Chúng ta đọc trong phần chia sẽ ở trên: “một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống, ấy là yêu thương cho phép đau khổ”. Hãy đưa ra một trường hợp cá biệt về nguyên tắc nầy trong chính đời sống của quí vị.
Hãy đáp ứng với phần nầy: “Những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta có thể bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho chúng ta bằng những phương thức mới mẻ”. Điều nầy có thực đối với quí vị không? Hãy giải thích.
+ Đào sâu:
* Câu gốc: Giăng 11.7-16
Trong câu 8 và câu 16, các môn đồ đã tỏ ra mối quan tâm của họ về những sự đe doạ mạng sống của Chúa Jêsus. Chúa Jêsus có dự phần vào mối lo ngại của họ không? Làm sao quí vị biết?
Lời lẽ của Chúa Jêsus trong các câu 9-10 dạy gì về “thời điểm trọn vẹn” trong chương trình của Đức Chúa Trời? Làm sao đoán trước được thời điểm của Đức Chúa Trời hầu giúp ấp ủ niềm hy vọng ở giữa nỗi thất vọng?
Tại sao quí vị nghĩ Chúa Jêsus sử dụng từ “ngủ” để nói tới cái chết của Laxarơ? Tại sao các môn đồ không hiểu Chúa Jêsus đang nói điều gì?
+ Đào sâu hơn:
* Xem xét:
Theo Giăng 11.5: “Vả, Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người và La-xa-rơ”. Nhận biết sự thể nầy giúp chúng ta thế nào khi chúng ta bắt đầu thắc mắc Đức Chúa Trời trong các thời điểm khó khăn?
* Suy gẫm:
Ngày nay người ta dạy rằng ấy không phải ý muốn Đức Chúa Trời khiến cho Cơ đốc nhân phải chịu khổ đâu. Phải chăng đây là ý của Kinh Thánh? Kinh Thánh nói gì về mục đích của sự chịu khổ?
Hãy suy nghĩ về một sự cố trong đó quí vị mong muốn Đức Chúa Trời can thiệp, thế nhưng quí vị cảm thấy Ngài đã để cho quí vị phải thất vọng. Tại sao quí vị nghĩ Đức Chúa Trời làm cho quí vị phải buồn lòng? Một nhận thức khác đã giúp đỡ quí vị như thế nào?
Giăng 11.7-16: “Rồi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy trở về xứ Giu-đê. Môn đồ thưa rằng: Thưa thầy, hôm trước dân Giu-đa tìm ném đá thầy, thầy còn trở lại nơi họ sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? nếu ai đi ban ngày, thì không vấp vì thấy sự sáng của thế gian nầy. Nhưng nếu ai đi ban đêm, thì vấp, vì không có sự sáng. Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin; nhưng chúng ta hãy đi đến cùng người. Nhơn đó, Thô-ma, gọi là Đi-đim, nói với môn đồ khác rằng: Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!”
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ẤP Ủ HY VỌNG TRONG KHI BỊ MẤT MÁT (PHẦN II).
Nỗi khát khao muốn có hy vọng
Khi Chúa Jêsus đến, Ngài thấy rằng Laxarơ đã ở trong mồ 4 ngày rồi. Nhiều người Do thái đã từ Jerusalem đến Bêthany để yên ủi Mathê và Mary trong sự mất mát người anh của họ. Cảm thông với họ là bổn phận đầu tiên trong các bổn phận. Chẳng có điều chi khác là quan trọng hơn bày tỏ ra nỗi buồn đau với người đã quá cố.
Trong bầu không khí nóng nực ở Israel, người chết sẽ được đem chôn ngay sau khi chết. Mấy người đờn bà xức dầu cho thi thể với các thứ hương liệu và dầu tốt nhứt, kế đó quấn thi thể bằng vải mịn, hai tay và hai chân thì quấn chặt giống như băng bột, còn đầu thì bọc bằng một cái khăn liệm. Hết thảy mọi người đến tại tang lễ đều có thể tham gia vào đám rước đưa từ nhà ra mộ. Trước tiên là mấy người đờn bà, theo các giáo sư trong thời buổi ấy, chính một người đờn bà do phạm tội ở trong Vườn Êđen, người đờn bà đó chịu trách nhiệm về sự chết đã xâm nhập vào thế gian.
Tại ngôi mộ, bạn bè đưa ra những câu nói tưởng niệm. Kế đó, là những người khóc than đứng thành hai dãy dài, đi ở giữa đó là gia đình tang quyến. Bao lâu thi hài người chết còn được lưu giữ tại nhà, cả gia đình bị cấm không được dọn đồ ăn ở đó, không được ăn thịt hay uống rượu, hay học hành gì hết. Khi thi hài được dời đi, mọi đồ đạt phải bị úp ngược xuống và mấy người than khóc ngồi dưới đất hoặc ngồi trên mấy cái ghế đẩu thấp. Khi trở về từ mộ địa, họ dùng bánh có thịt, trứng luộc sôi, các thứ đậu, làm biểu tượng cho sự sống, là điều luôn luôn chạy về hướng sự chết.
Cuộc than khóc kéo dài những 7 ngày, trong thời gian đó không một ai được xức dầu cho mình, không được mang giày, không đi học hay buôn bán, hoặc tắm rửa chi cả. Ba mươi ngày than khóc nhẹ nối theo sau tuần lễ than khóc nặng.
Giữa khoảng thời gian than khóc sâu sắc nầy, Mathê nghe nói rằng Chúa Jêsus đã về tới đầu làng. Bất chấp lệ làng ở xứ Trung đông, nàng tất tả ra đón Ngài trong khi Mary còn ngồi lại ở trong nhà. Cuộc trao đổi đáng nhớ của Mathê và Chúa Jêsus đã có được ghi lại trong Giăng 11.21-27:
“Ma-thê thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết; mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Anh ngươi sẽ sống lại. Ma-thê thưa rằng: Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? Người thưa rằng: Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian”.
Lẽ đạo về sự sống lại đặc biệt không yên ủi Mathê trong lúc nàng đau lòng.
“Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”. Trong câu nói đó, giọng nói của Mathê nhuốm vẻ hồ nghi Chúa Jêsus có quyền phép giới hạn mà thôi. Nếu Ngài có mặt ở đó, điều nầy đã không xảy ra. Ngài phải có mặt để chữa lành cho anh nàng. Tuy nhiên lòng tin của nàng nơi Chúa Jêsus chiếu sáng qua câu nói: “mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho”.
Chúa Jêsus đã đáp lại nàng bằng cách hướng tâm trí nàng vào lời hứa về sự sống lại: “Anh ngươi sẽ sống lại”. Mathê dường như mất kiên nhẫn khi nàng đối lại: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại”.
Nàng vốn biết rõ lẽ thật. Nàng đã đưa ra đúng lẽ đạo. Thực vậy, nàng đã có một nền tảng thuộc linh vững chắc hơn cả người Sađusê, là những người đã chối bỏ sự sống lại. Trong câu nói của nàng, nàng thể hiện bằng chứng cho sự dạy mạnh mẽ về đức tin của dân tộc nàng. Thế nhưng nàng chưa tìm được nhiều yên ủi theo thì tương lai. Trong giờ phút ấy, nàng cần điều gì có ngay tức thì hơn là một biến cố nào đó còn ở xa xôi như: “sự sống lại ngày cuối cùng”. Lẽ đạo về sự sống lại đặc biệt không yên ủi Mathê trong lúc nàng đau lòng.
Chúa Jêsus đã nhìn thấy điều đó và xây ý tưởng nàng về sự sống lại như một biến cố trong tương lai thành hiện thực trong thì hiện tại: “Ta là sự sống lại và sự sống”. Đúng là điều mà Mathê phải cảm nhận được trong giờ phút đó! “Ta là sự sống lại và sự sống”. Với câu nói đáng giật mình ấy, Chúa Jêsus đã đẩy các tư tưởng của Mathê từ chỗ hy vọng lờ mờ trong tương lai sang một sự kiện trong hiện tại. Ngài ban cho đức tin của nàng đối tượng thật của nó, là chính mình Ngài. Tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ, là Người-Trời, Ngài là sự sống lại và sự sống, có thể thay thế cho niềm hy vọng lờ mờ của nàng ở một biến cố trong tương lai.
Làm sao chúng ta có được sự trông cậy ấy? Chúa Jêsus chỉ cho chúng ta biết ở câu 25: “kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết”.
Khi chúng ta tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta có được lượng sự sống rộng lớn hơn cả sự chết.
Khi chúng ta tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta có được lượng sự sống rộng lớn hơn cả sự chết. Sự chết không trở thành tận cùng của sự sống, mà là cánh cửa để bước vào sự sống rộng lớn hơn. Người ta gọi thế giới của chúng ta là: “thế giới của người sống”. Còn chúng ta gọi thế giới nầy là: “thế giới của kẻ chết”. Chúng ta bắt đầu chết ngay giờ phút chúng ta ra đời, và đời sống của chúng ta đang hướng tới cái chết không thể tránh được. Nhưng những ai đã tin theo Đức Chúa Jêsus Christ đều biết rõ rằng khi sự chết đến, chúng ta không bước ra khỏi xứ của người sống mà là bước vào xứ của người sống. Chúng ta không đi trên con đường dẫn đến sự chết. Chúng ta đang đi trên con đường dẫn tới sự sống. Đấy là ý nghĩa của sự sanh lại. Đấy là ý nghĩa của việc có sự sống đời đời. Đấy là ý nghĩa của sự tin theo Đức Chúa Jêsus Christ.
Chúa Jêsus kết thúc câu nói của Ngài với Mathê ra sao? Ngài hỏi: “Ngươi tin điều đó chăng?” Với câu hỏi đó, Ngài dẫn nàng đến với thắc mắc về đức tin cá nhân. Đức tin dẫn tới sự sống đời đời không thể là một đức tin mà chúng ta thừa hưởng từ ông bà cha mẹ hay là khi chúng ta được ở gần Mục sư. Đây là sự đầu phục cá nhân mà mỗi một người chúng ta đều phải thực thi.
Trước câu hỏi của Chúa Jêsus, Mathê đã đưa ra câu trả lời thật là quan trọng (câu 27): “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian”. Hãy so sánh với lời xưng nhận long trọng của Phierơ (Mathiơ 16.16). Chúa Jêsus đã hỏi ông: “Còn ngươi nói ta là ai?” Phierơ đã đáp: “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Chúa Jêsus đã phán rằng Hội thánh sẽ được dựng nên trên lời xưng nhận đó, trên lẽ thật đó.
Mathê đã hiểu rõ chính lẽ thật ấy. Nàng đã học biết lẽ thật ấy ở đâu vậy? Há nàng đã ngồi dưới chơn Chúa Jêsus sao? Há nàng đã nghe Ngài dạy dỗ cho đám dân đông kia sao? Rõ ràng người phụ nữ nầy, dù đức tin nàng là bất toàn, đã nắm bắt được lẽ thật chủ yếu trên đó đức tin lớn lên: Chúa Jêsus là Đấng được Đức Chúa Trời sai phái đến.
Cũng một thể ấy cho chúng ta hôm nay. Chính trên lẽ thật mà Mathê đã thốt ra trong ngày đó ở Bêthany cách đây 2.000 năm mà quí vị và tôi đến với Đấng là sự sống lại và sự sống. Chúng ta không thể bắt đầu lớn lên cho tới chừng chúng ta nhìn biết Chúa Jêsus Ngài là ai rồi chạy đến với Ngài.
Câu chuyện tiếp tục. Mathê trở về lại ngôi nhà và, đem Mary riêng ra, nói với Mary rằng Thầy đã đến và đã hỏi thăm nàng. Mary chổi dậy nhanh chóng rồi bước ra đón Chúa Jêsus. Đổi lại, nàng đã thốt ra chính lời lẽ mà Mathê đã nói khi nảy: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”. Mathê đã nói ra lời lẽ ấy, nhưng với một sơ sót. Mathê còn nói tiếp: “mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho”. Mathê, ở một chừng mực nào đó, đã thốt ra đức tin của nàng. Còn Mary, ngược lại, đã bị đau khổ phủ lút. Nàng đã ngồi nơi chơn Chúa Jêsus và đã học hỏi từ nơi Ngài. Nhưng bây giờ trong sự hiện diện của Ngài nàng đã bị vò xé với nỗi đau đớn đang nung nấu ở trong lòng.
Khi chúng ta đọc câu chuyện khác về Mary và Mathê trong Luca 10, ở đây cho thấy rằng Mary là một con người rất “thuộc linh” và Mathê là một người “chẳng thuộc linh” gì hết. Bây giờ khi chúng ta xem xét cũng chính hai người phụ nữ đó, chúng ta khám phá ra Mathê thực tế kia đã hiểu rõ đủ để đưa ra lời xưng nhận về đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Còn Mary, thì bị nỗi mất mát nhận chìm thật sâu nên mới thốt ra câu: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”.
Hãy lưu ý thể nào Chúa Jêsus đã điều chỉnh lại nhu cần của từng người. Với Mathê, thậm chí trong lúc than vãn nặng nề nhất, Ngài đã phán ra lẽ thật sâu sắc về thần học. Với Mary, Ngài đã cảm thông. Ngài đã gặp nàng ở chỗ đấy để rồi Ngài đưa nàng đến một cấp độ khác của đức tin. Cũng thế đối với mỗi một người chúng ta. Đức Chúa Trời khởi sự với chúng ta ở chỗ chúng ta hiện đang đứng đây. Thế nhưng Ngài không bỏ chúng ta lại ở đó. Ngài đưa chúng ta đến với một cấp độ đức tin sâu sắc hơn.
BÀI HỌC 4:
+ NỖI KHÁT KHAO MUỐN CÓ HY VỌNG
Thi thiên 23.4: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi”.
+ Mục tiêu: Hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự Đấng Christ thắng hơn sự chết.
+ Học thuộc lòng: Thi thiên 23.4
+ Đọc: hết phần: “Nỗi khao khát muốn có hy vọng”.
+ Khởi động: Hãy nhớ lại một kinh nghiệm đau buồn mà quí vị đã trải qua. Hãy mô tả sự mất mát, tình cảm, đau khổ, và nhiều nước mắt. Làm thế nào quí vị ngăn được nỗi đau buồn và tìm được sức lực, can đảm để bước tới?
+ Suy gẫm: Giống như Mathê, là người đã không hiểu rõ tầm cỡ quyền phép vô hạn của Chúa Jêsus, chúng ta cũng đề ra những giới hạn cho Ngài và các khả năng của Ngài? Chúng ta giới hạn quyền phép và khả năng của Ngài như thế nào? Điều nầy có ảnh hưởng như thế nào trên đời sống thuộc linh của quí vị?
Trong phần chia sẻ ở trên, có chỗ nói rằng thế giới nầy được mô tả là: “đất của người sống”. Quí vị có thấy bằng chứng nào trong thế giới của chúng ta ủng hộ một câu nói như thế chăng?
Hãy xét qua câu nói: “Đức Chúa Trời khởi sự với chúng ta ở nơi chúng ta đang đứng đây. Thế nhưng Ngài không bỏ chúng ta lại ở đó. Ngài đưa chúng ta đến với một cấp độ đức tin sâu sắc hơn”. Đức Chúa Trời sử dụng điều gì để làm cho đức tin chúng ta được thêm lên? Hãy đưa ra một thí dụ từ chính đời sống của quí vị để minh hoạ cho điều nầy.
+ Đào sâu:
- Phân đoạn Kinh Thánh: Giăng 11.21-27
Sự chính xác về lẽ đạo của Mathê trong câu 24 không cung ứng cho nàng nhiều yên ủi. Chúa Jêsus đáp ứng thể nào với nàng trong các câu 25-26 làm thay đổi nhận định của nàng?
Lời xưng nhận “sự sống lại” của Chúa Jêsus phán với nỗi sợ cái chết của chúng ta như thế nào? Lời xưng nhận của Ngài là “sự sống” chạm đến sự hy vọng của chúng ta về cõi đời đời như thế nào? (câu 25).
Lời tuyên xưng đức tin của Mathê trong câu 27 đưa ra ba lẽ thật về Chúa Jêsus. Đâu là các lẽ thật đó và tại sao mỗi lẽ thật đều quan trọng?
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Hãy so sánh lời tuyên xưng đức tin của Mathê với lời tuyên xưng của Phierơ ở Mathiơ 16.16. Chúng giống nhau như thế nào? Khác nhau như thế nào?
- Suy gẫm:
Có phải quí vị nghĩ rằng hầu hết Cơ đốc nhân đều giống như Mathê – tin sự sống lại là một biến cố ở trong cõi tương lai chớ không phải là một thực tế trong hiện tại? Tại sao tin và tại sao không?
Quí vị có đến dự một tang lễ, nơi đó chẳng ai ý thức chi về sự sống đời đời? Hãy mô tả quí vị cảm nhận như thế nào!?! Hãy mô tả quí vị sử dụng lẽ đạo nói về sự sống lại như thế nào để yên ủi một người đang có tâm trạng đau buồn!?!
“Ma-thê thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết; mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Anh ngươi sẽ sống lại. Ma-thê thưa rằng: Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? Người thưa rằng: Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian” (Giăng 11.27).
“Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống” (Mathiơ 16.16).
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ẤP Ủ HY VỌNG TRONG KHI BỊ MẤT MÁT (PHẦN III).
+ QUYỀN PHÉP CỦA SỰ SỐNG LẠI
Bối cảnh đã được dàn dựng ra. Bốn ngày trôi qua, kể từ khi Laxarơ qua đời. Ngôi mộ ở xứ Trung đông thường là một hang đá với những chỗ trú ẩn được cắt gọt trong đá theo ba chiều. Ngay trước cửa mộ, một đường rãnh được đục ở trên mặt đất và một hòn đá tròn kiểu bánh xe được đặt ngay trên đường rãnh để nó có thể trượt ngang qua lối vào mộ. Đối với người Do thái, thật là quan trọng khi lối vào được đóng ấn đàng hoàng. Họ tin rằng linh hồn của người quá cố sẽ lảng vảng quanh ngôi mộ trong bốn ngày, họ tìm kiếm lối vào để tái nhập lại với thân xác của người quá cố. Thế nhưng sau bốn ngày họ đã bỏ đi, vì khi ấy thi thể đã bị biến dạng đến nỗi họ không còn nhận ra nó nữa.
Những người than khóc đã theo sau Mary và giờ đây nhóm lại ở trước hang đá. Tục lệ lúc bấy giờ cho rằng người ta càng than khóc, họ càng làm vinh dự cho người quá cố. Số người nầy đã đến đặng yên ủi Mary và Mathê, họ không than khóc với cái đầu gục xuống đâu. Thay vì thế, họ tôn vinh Laxarơ với sự khóc lóc không kềm chế được, họ la thét ghê lắm.
Chúa Jêsus đứng ở giữa đám đông những kẻ khóc mướn kia. Trong hai câu 33 và 38, Giăng mô tả Ngài bằng cách sử dụng từ Hy lạp không được dịch chính xác trong nhiều quyển Kinh Thánh. Chúa Jêsus “đau lòng cảm động”. Ngài run lên với căm phẫn.
Căm phẫn vì chuyện gì? Chúa Jêsus đã đứng ở đó trong ngày ấy là Chúa của sự sống, là Đấng mới vừa nói với Mathê rằng Ngài là sự sống lại và sự sống. Ở đó Ngài mặt đối mặt với mọi tác dụng của Sự Sa Ngã: sự chết, đau khổ, xé lòng. Ngài đã vào trong thế gian để giải phóng chúng ta ra khỏi sự chết và sự xét đoán. Ngài vốn biết rõ rằng khi Ngài đối diện và thắng hơn sự chết trong ngày ấy, cuộc chinh phục sau cùng sẽ đến chỉ trong một phương thức. Ngài cũng phải trải qua sự chết. Ngài phải nếm lấy nỗi đắng cay của nó. Ngài sẽ phải chết.
Ngài đã run lên – run lên ở nỗi khủng khiếp của sự chết. Ngài run lên nơi mọi hậu quả của tội lỗi. Ngài run lên nơi sự đớn đau của tình trạng cách ly. Ngài run lên với căm phẫn khi thấy bất kỳ việc nào trong số các việc nầy xảy ra. Và rồi Ngài đã hành động. Ngài phán bốn lần.
Phán với những kẻ khóc mướn. Ngài chỉ nói: “Hãy lăn hòn đá đi” (Giăng 11.39). Chúa Jêsus có thể bảo hòn đá lăn đi mà chẳng cần chi sự phụ giúp của con người, thế nhưng Ngài không làm thế. Những kẻ đứng ở đó trong ngày ấy đã được giao cho phần việc đấy. Đức Chúa Trời đang vận hành với một sự tiết kiệm quyền phép thiêng liêng. Ngài yêu cầu chúng ta phải làm những điều chúng ta có thể làm. Ngài thử chúng ta bằng cách thu hút chúng ta vào phép lạ của Ngài. “Hãy lăn hòn đá đi”.
Chúa Jêsus đã vận hành để dấy đức tin của Mathê lên một cấp độ cao hơn để nàng có thể nhìn qua bên kia đời tạm, bên kia thực tại, bên kia cõi trần tục để nhìn thấy thực tại thuộc linh.
Phải chăng người Do thái đang đứng ở đó nghe đúng như thế chứ? Hãy lăn hòn đá đi sao? Chắc chắn Chúa Jêsus không thể đùa được! Mathê gợi lên tư tưởng của họ khi nàng can gián Ngài: “Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi”. Mathê đã quên mất những gì đã trao đổi trên con đường đi tới đây. Chúa Jêsus đã nhắc cho nàng nhớ: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” (câu 40). Chúa Jêsus đã vận hành để dấy đức tin của Mathê lên một cấp độ cao hơn để nàng có thể nhìn qua bên kia đời tạm, bên kia thực tại, bên kia cõi trần tục để nhìn thấy thực tại thuộc linh. “Hãy lăn hòn đá đi”.
Lần thứ hai Chúa Jêsus nói, là nói với Đức Chúa Trời:
“Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi. Tôi biết rõ rằng Cha nhậm lời tôi luôn, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân nầy đứng chung quanh tôi, hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến”.
Mathê nói nàng đã tin như thế. Thế nhưng còn những người khác thì sao? Mary? Các môn đồ? Chúa Jêsus đặt lời xưng nhận của Ngài lên đầu hàng để dẫn người ta đến với đức tin.
Lần thứ ba Chúa Jêsus phán, Ngài phán cùng Laxarơ: “Hỡi Laxarơ, hãy ra!” (câu 43). Người chết đi ra, chơn tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đám đông lui lại, kinh khủng. Phải chăng họ đang nghĩ trong trí mình bị lừa sao? Họ đã trông thấy một thi thể đã bị đưa vào mộ 4 ngày rồi trước đây mà! Laxarơ không thể sống lại được!
Chúa Jêsus không cầu nguyện: “Lạy Cha, xin làm cho người sống lại từ sự chết”. Ngài cũng không nói: “Nhơn danh Đức Chúa Cha, hãy đi ra” đâu! Ngài đã nói cho Mathê biết Ngài là sự sống lại và sự sống. Ngài đã hành động bằng quyền phép của chính mình Ngài. Ngài là Chúa của sự sống, vì vậy Laxarơ đã đi ra.
Giống như con chim phượng hoàng vinh hiển kia chổi dậy từ đống bụi tro của chính sự chết của nó và cái tổ bị hủy hoại kia, cũng một thể ấy, đức tin lớn chỉ dấy lên từ những hy vọng tàn phai và những sự hiện thấy vụn nát kia.
Chúa Jêsus phán lần thứ tư, một lần nữa trước sự kinh ngạc của khán thính giả: “Hãy mở cho người, và để người đi” (câu 44). Những kẻ đứng quanh đó phải chạm đến Laxarơ rồi bản thân họ phải nhìn thấy rằng Laxarơ không phải là một hồn ma.
Có hai việc đã xảy ra. Thứ nhứt, phần nhiều những người Do thái đã đến viếng Mary đều đã đặt đức tin nơi Chúa Jêsus (câu 45). Đấy là kết quả có ngay tức thì. Thứ hai, lời đồn đãi về phép lạ khó tin nầy chẳng bao lâu sau đó đã đến tận tai các cấp lãnh đạo tôn giáo tại thành Jerusalem. Họ đã nhìn thấy Chúa Jêsus là một mối đe doạ cho quyền lực của họ. Họ đã nhóm lại để đóng ấn số phận của Ngài với bản án tử hình.
Một bản án tử hình ư? Phải, dành cho Ngài. Nhưng một án sự sống dành cho hết thảy chúng ta là những người bằng lòng tin. Ngài là sự sống lại và sự sống. Những ai tin nơi Ngài đều sẽ sống, cho dù người đó đã chết. Bất cứ ai sống và tin nơi Ngài đều sẽ không bao giờ chết. Quí vị có tin như thế không?
Những người kể chuyện đời xưa trong nhiều vùng đất thuật lại về một con chim thần thoại kia, dành cho mặt trời, được gọi là chim phượng hoàng. Con chim to lớn nầy, được che phủ với chiếc cầu vồng lông lá rực rỡ nhiều màu sắc, đất chẳng bì kịp với nó. Chẳng có một loài chim nào sánh ngang bằng với nó được, không những thế chẳng có một loài chim nào hót hay hơn nó, cũng chẳng sống thọ hơn nó được. Những người kể chuyện đời xưa có thể không nhất trí về tuổi tác của chim phượng hoàng nầy. Có người nói con chim sống tới 500 năm. Nhiều người khác nói tuổi thọ của nó nhiều hơn 12.000 năm tuổi nữa là.
Khi những tháng năm đó kết thúc, con chim phượng hoàng làm cho mình cái tổ bằng nhánh cây con, đem cái tổ đặt trên ngọn lửa, rồi cùng bị thiêu cháy với cái tổ đó. Không có gì còn lại trừ ra bụi tro vung vải trên mặt đất. Thế nhưng, khi ấy, những người kể chuyện đời xưa nói, từ đống tro bụi ấy xuất hiện một con chim phượng hoàng khác, một con chim rực lửa thậm chí còn rực rỡ hơn cả con chim trước đã chết nữa. Nó sẽ giang rộng đôi cánh, họ nói, và nó bay thẳng lên tới mặt trời.
Những người kể chuyện thuật lại câu chuyện thần thoại nầy với hy vọng rằng câu chuyện sẽ biến thành sự thực. Họ đã nói tới một việc rất sâu sắc ở bên trong chúng ta, họ ao ước rằng xuất phát ra từ những thảm hoạ có tính hủy diệt của cuộc sống, một cái gì đó tốt hơn, huy hoàng hơn sẽ hiện đến. Những gì mấy người kể chuyện đời xưa kia chỉ có thể tưởng tượng chứa một lẽ thật trong đó Đức Chúa Jêsus Christ là một thực tại. Giống như con chim phượng hoàng vinh hiển kia chổi dậy từ đống bụi tro của chính sự chết của nó và cái tổ bị hủy hoại kia, cũng một thể ấy, đức tin lớn chỉ dấy lên từ những hy vọng tàn phai và những sự hiện thấy vụn nát kia.
Donald Grey Barnhouse đã viết: “Nếu Đức Chúa Trời muốn bạn tin cậy Ngài, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ khó khăn. Nếu Ngài muốn bạn tin cậy Ngài thật nhiều, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ mà bạn sẽ không thể làm chi được. Vì khi có một việc khó, không thể làm chi được, khi ấy chúng ta là những kẻ có khuynh hướng nắm lấy mọi sự bằng sức riêng mình phải thốt ra: “Lạy Chúa, Ngài phải làm việc nầy. Con chẳng làm chi được”.
BÀI HỌC 5:
+ QUYỀN PHÉP CỦA SỰ SỐNG LẠI
Thi thiên 37.3: “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài”.
+ Mục tiêu: Nắm bắt cách Đức Chúa Trời sử dụng đau khổ và tai vạ để kéo chúng ta đến với chính mình Ngài.
+ Học thuộc lòng: Thi thiên 37.3
+ Đọc: hết phần: “Quyền phép của sự sống lại”.
+ Khởi động: Chìa khoá cho sự sống chúng ta chạy đều là nương cậy vào Đức Chúa Trời. Hãy đưa ra một trường hợp quí vị không vận dụng sự nương cậy đó rồi phản ứng bằng sức riêng mình trong một hoàn cảnh? Kết quả ra sao?
+ Suy gẫm: Tại sao Chúa Jêsus “run lên với sự căm phẫn” khi Laxarơ chết?
Hãy xem lại phần trưng dẫn của Barnhouse: “Nếu Đức Chúa Trời muốn bạn tin cậy Ngài, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ khó khăn. Nếu Ngài muốn bạn tin cậy Ngài thật nhiều, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ mà bạn sẽ không thể làm chi được”. Quí vị có đồng ý với phần dẫn chứng nầy không? Quí vị đã kinh nghiệm điều nầy như thế nào trong chính đời sống của quí vị?
Hãy quay lại với phần dẫn chứng của Barnhouse, tại sao Đức Chúa Trời lại thử chúng ta theo cách nầy, có bất công không? Có cách nào tốt hơn để phát triển lòng tin cậy mà không có khó khăn hay đau khổ không?
+ Đào sâu:
Phân đoạn Kinh Thánh: Giăng 11.39-45
Lòng quan tâm mọi sự của Mathê theo phương diện thực tế đã tỏ ra như thế nào trong hoàn cảnh nầy? (câu 39). Chúa Jêsus trả lời cho mối quan tâm của nàng ra sao? (câu 40).
Hãy xem xét lời cầu nguyện của Chúa Jêsus ở các câu 41-42. Những yếu tố nào trong lời cầu nguyện của Ngài chúng ta có thể bắt chước theo trong lời cầu nguyện của chính chúng ta?
Trong câu 40, Chúa Jêsus bảo Mathê rằng nàng sẽ nhìn thấy “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Mathê cùng nhiều người khác nhóm lại ở đó nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào? Điều chi đã kết quả từ sự phô diễn quyền phép của Chúa Jêsus đối với sự chết? (các câu 45-53).
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Câu gốc cho bài học nầy (Thi thiên 37.3) đưa ra một số phương thức đặc biệt chúng ta có thể đáp ứng trong những lúc khó khăn. Đâu là những nguyên tắc đó, và chúng đã trợ giúp cho Mathê như thế nào?
- Suy gẫm:
Hãy suy nghĩ tới một trường hợp thử thách mới đây mà quí vị đã nếm trải qua. Chúa Jêsus đã phục vụ cho quí vị như thế nào? Nhận định của quí vị về Đức Chúa Trời như kết quả của kinh nghiệm thay đổi như thế nào?
Trong ánh sáng của bài học nầy, có phải quí vị đã sửa soạn để tiếp nhận sự chịu khổ là một phần trong sự tấn tới và trưởng thành thuộc linh của mình không? Những kinh nghiệm nào Đức Chúa Trời đã sử dụng trong đời sống quí vị để đào sâu đức tin của quí vị?
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy lăn hòn đá đi. Ma-thê, là em gái kẻ chết, thưa rằng: Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao? Vậy, họ lăn hòn đá đi. Đức Chúa Jêsus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi. Tôi biết rõ rằng Cha nhậm lời tôi luôn, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân nầy đứng chung quanh tôi, hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến. Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chơn tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi. Có nhiều người Giu-đa đã đến cùng Ma-ri và thấy sự Đức Chúa Jêsus làm bèn tin Ngài” (Giăng 11.39-45).
NHỮNG TƯ TƯỞNG SAU CÙNG
Laxarơ đã sống chỉ để chết một lần nữa mà thôi. Lần thứ hai, hai chị em đi ra mộ với thi hài của người anh yêu dấu của mình. Lần nầy không có sự sống lại nữa. Nhưng Chúa Jêsus đã lấy phần thần học của Mathê rồi ban cho nó linh lực: “kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết”. Nếu quí vị tin nơi một Đức Chúa Trời của sự sống lại, quí vị có thể đối diện với nghĩa trang và biết rõ rằng sự sống sẽ ra từ sự chết. Đúng như thế, trong lời lẽ của Thánh Francis ở xứ Assisi, trong sự chết chúng ta đang sống.
Nhưng không phải hết thảy mọi tang lễ đều dẫn tới sự sống đâu. Khi Mae mất đứa con trai duy nhứt của bà, bà đã không còn nhìn thấy Đức Chúa Trời, quyền phép và tình yêu của Ngài nữa. Bà không thể nhìn thấy con chim phượng hoàng kia chổi dậy từ bụi tro sự chết của chính nó. Bà đã quên hẳn thực tại chỉ ra sự sống đang phủ lấy sự chết. Bà đã quên – hay không hề biết – rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã nếm trải sự chết để chinh phục nó cho mọi thời đại và cho cõi đời đời.
Khi chúng ta kinh nghiệm nỗi đau mất mát, chúng ta có thể quên con chim phượng hoàng. Thế mà Chúa Jêsus phán chính những lời lẽ ấy cho chúng ta y như Ngài đã phán với Mathê cách đây 2.000 năm trên con đường đi đến làng Bêthany: “Ta là sự sống lại và sự sống”. Sau cái chết, sự sống lại hiện đến. Chúng ta có thể tin cậy thời điểm trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tin cậy vào tình yêu thương của Ngài. Chúng ta có thể nếm trải mọi kinh nghiệm khó khăn của chúng ta mạnh mẽ hơn trong đức tin và sự trông cậy khi chúng ta học biết Đức Chúa Trời đang hiện hữu ở đó vì chúng ta trong sự mất mát, trong nỗi buồn đau của chúng ta. Những gì chúng ta để cho Đấng Christ thực thi trong hoàn cảnh của chúng ta đang tạo ra sự khác biệt.
***