Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Đức Vua Nằm Trong Máng Cỏ



Đức Vua nằm trong máng cỏ
Hêbơrơ 1.2b-3
Hãy tưởng tượng quí vị là người chăn chiên. Quí vị có một công việc phải làm ở đồng vắng thuộc thành Bếtlêhem ngoại vi thành phố Jerusalem. Do thiếu kinh nghiệm, quí vị bị phân công canh chừng vào ban đêm. Giờ giấc thì không hay lắm, nhưng công việc thì không khó khăn mấy. Bầy chiên nằm ngủ với tư thế thật mãn nguyện ở trong ràng có rào bọc chung quanh và quí vị gát cỗng để coi chừng bầy dã thú. Phần tệ hại nhất của công việc là giữ ấm trong suốt những đêm dài mùa đông nầy. Quí vị thay phiên cùng với mấy bạn đồng sự của mình sưỡi ấm hai bàn tay và lưng quí vị xây về phía ngọn lửa.
Một tối kia, một việc khó tin nổi đã xảy ra. Khi quí vị đứng bao quanh ngọn lửa sưỡi ấm với mấy người bạn cùng làm việc, không biết ở đâu tới một tạo vật rất vinh hiển xuất hiện ở trước mặt quí vị. Quí vị lo sợ nhìn thẳng vào đấng ấy vì cớ ánh sáng chói lói lưu xuất ra từ vóc dáng cao ráo và đầy uy lực của người. Nhìn thẳng vào người làm quáng mắt quí vị giống như nhìn lên mặt trời lúc giữa trưa vậy. Người mới xuất hiện bên ngọn lửa rồi đứng ở đó nhìn chăm vào quí vị. Ánh sáng phát ra từ người chiếu sáng cả cánh đồng. Khi nói quí vị bị ngất đi chỉ là cách nói nhẹ thôi; "sợ quá" là cách nói cũng chưa đúng với sự thật lắm. Quí vị đang lúc lắc đôi giày, với tư thế run rẩy. Quí vị cúi mình xuống e sợ tội lỗi sau cùng đã tìm ra mình và sự phán xét của Đức Chúa Trời sau cùng đã đến.
Khi tạo vật nói, giọng nói của người kinh khiếp lắm, nhưng đồng thời cũng rất yên ủi. Thay vì nói ra những lời lẽ có tính cách phán xét, người thốt ra lời lẽ bình an. Người bảo quí vị đừng sợ hãi. Tiếp đến người nói. "Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin-Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân". Vẫn còn run rẩy, quí vị chăm chú lắng nghe khi người nói: "ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài. Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ".
Không bao lâu sau khi mấy lời đó ra từ miệng của tạo vật xinh đẹp nầy, bầu trời và cả cánh đồng đã sáng rực với một đoàn đông những tạo vật chỉ có thể được mô tả là thiên sứ mà thôi. Có một âm vang trỗi lên khi hết thảy họ đều một lượt dội tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời. Tiếng ấy giống như tiếng gầm rống của sóng triều đại dương hay tiếng của một cơn gió mạnh. Một số bạn hữu của quí vị về sau nói họ đã ca hát, nhưng quí vị nhớ nhất là câu mà họ đã thốt ra. "Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!" Kế đó, thình lình giống như khi họ xuất hiện, họ đã biến đi mất. Âm thanh còn lại duy nhất là tiếng tí tách của ngọn lửa và tiếng kêu be be mãn nguyện của bầy chiên mà thôi.
Quí vị và mấy người chăn chiên khác đã ngồi ở đó há hốc kinh ngạc trong mấy phút đồng hồ, bất động, hầu như không thể hiểu được những điều mà quí vị vừa mới thấy và nghe. Khi cơn tê liệt qua đi rồi, quí vị bắt đầu bàn bạc về sự ấy. Sứ điệp đã được in rõ trong lý trí của từng người. Quí vị phải vào trong thành Bêtlêhem, là "thành David" rồi ở đó quí vị sẽ tìm gặp "Cứu Chúa", là "Christ", là Đấng Mêsi đã từ lâu mong đợi, là Đấng Chịu Xức dầu, các tiên tri đã nói về Ngài. Ở đó quí vị sẽ nhìn thấy một bối cảnh rất vinh hiển, vì ở đó trong thành Bêtlêhem quí vị đã được mời đến để nhìn thấy "Chúa" tận mắt mình.
Cả cuộc đời của quí vị, quí vị đã nghe các lời tiên tri nói về Đấng Christ hầu đến, là Đấng Mêsi sẽ trở thành Cứu Chúa của Israel. Israel thực sự cần đến một Cứu Chúa trong thời điểm như lúc nầy, một Cứu Chúa với sức mạnh chà nát quyền thống trị của Rôma trên xứ sở của quí vị. Quí vị luôn luôn tưởng tượng Đấng Cứu Thế phải là một chiến binh mạnh sức đang cỡi trên lưng ngựa bạch xinh đẹp vào thành Jerusalem. Quí vị đã hình dung Ngài đang có quyền năng làm phép lạ giống như tiên tri Êli, có sự khôn ngoan của Vua Solomon, có tài lãnh đạo của Môise, có đức tin của tổ phụ Ápraham và tài chỉ huy quân sự của Giôsuê. Thế mà thiên sứ nầy lại nói Ngài sẽ là "một Con Trẻ" và hơn thế nữa Ngài sẽ được "bọc bằng khăn" và Ngài đang "nằm trong máng cỏ".
Thình lình sự im lặng lạ lùng ấy bị phá vỡ khi hết thảy mấy gã chăn chiên bắt đầu nói một lượt. Ai nấy đều nhất trí rằng quí vị phải để bầy chiên lại rồi "hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa" đã cho quí vị hay. Quí vị mau mắn bàn bạc chiếc máng cỏ sẽ ở chỗ nào vì có nhiều nhà quán với máng cỏ khắp ngôi làng nhỏ bé đó. Thế rồi, ai nấy dường như theo bản năng, họ kéo đến một máng cỏ đặc biệt nằm ở phía sau một nhà quán cũ kỹ kia.
Quí vị chạy ùa đến đó thật nhanh như đôi chân của quí vị có thể mang lấy quí vị rồi ở đó quí vị nhìn thấy dưới ánh đèn của một ngọn đèn thắp bằng dầu olive, một thiếu nữ ở độ tuổi cuối thời kỳ niên thiếu của mình. Người chồng lớn tuổi hơn đang quì gối bên cạnh nàng. Ở đó, trước mặt họ, một em bé bọc khăn màu trắng có thể thấy được đang nằm trên chiếu rơm. Ngay lập tức, quí vị bèn quì gối xuống rồi nhích lại gần hơn, thế giới chung quanh quí vị đang mờ dần và hết thảy sự chú ý của quí vị đang chiếu vào con trẻ nầy.
Nào! Hãy tỉnh thức đi! Chỉ có quí vị và tôi thôi! Quí vị không còn là một gã chăn chiên nữa. Nhưng hãy suy nghĩ cùng với tôi về những gì mấy gã chăn chiên đã suy nghĩ khi họ nhận được cái nhìn đầu tiên về Chúa Jêsus, là Người-Trời mới hạ sanh. Điều chi đã chạy xuyên qua tâm trí của họ thế? Đâu là ấn tượng đầu tiên của họ? Trong câu chuyện ngắn ngủi nầy về sự ca ngợi của mấy gã chăn chiên ở Luca 2.8-20, chúng ta không biết họ đã nghĩ suy gì, nhưng chúng ta biết những gì họ đã nói ra. Sau khi nhìn thấy Chúa Jêsus đang nằm trong máng cỏ, họ "trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình".
Họ đã nhìn thấy điều gì vậy? Họ đã trông thấy ĐỨC VUA ĐANG NẰM TRONG MÁNG CỎ! Luca 2 cho chúng ta biết về mấy gã chăn chiên đang nhìn xem con trẻ Jêsus. Hêbơrơ 1 cho chúng ta biết con trẻ nằm trong máng cỏ là ai. Tuần rồi, chúng ta đã xét qua Hêbơrơ 1.1-2a. Chúng ta đã học biết "Đức Chúa Trời… đã phán dạy" trong Cựu Ước "bởi các tiên tri" nhưng "trong những ngày sau rốt nầy" Ngài còn "phán dạy chúng ta bởi Con Ngài".
Hơn 150 năm qua William Chatterton Dix đã viết ra lời cho bài thánh ca Giáng sinh nầy: "Con Trẻ đang nằm ngủ trong lòng của Mary là ai? Các thiên sứ ca hát du dương chào đón ai, đang khi mấy gã chăn chiên đang thức canh giữ bầy? Đây là Đấng Christ là Vua, là Đấng mà mấy gã chăn chiên thức canh và các thiên sứ hát mừng; Mau, mau, hãy khen ngợi Ngài, Con Trẻ, Con của Mary!" (TC 59 Tình yêu Thiên Chúa, trong quyển Thánh ca Tôn vinh Đức Chúa Trời của Hội thánh Báptít Việt nam). Dix hỏi cùng một câu mà mấy gã chăn chiên đã hỏi. “Con Trẻ nầy là ai?” Con trẻ nầy là ĐỨC VUA ĐANG NẰM TRONG MÁNG CỎ và Hêbơrơ 1.2-3 cho chúng ta biết chính xác Ngài là ai.
I. Con Trẻ đang nằm trong Máng cỏ là Đấng Kế Tự muôn vật.
Con trẻ đang nằm trong máng cỏ vừa là Con của Mary vừa là Con của Đức Chúa Trời. Ngài không có cha là con người. Ngài được thai dựng bởi Đức Thánh Linh. Là Con của Mary, Ngài là Con chẳng kế tự gì bao nhiêu. Là Con của Đức Chúa Trời, Ngài là "Đấng Kế Tự". Vì Đức Chúa Trời có "mọi sự" Chúa Jêsus là "Đấng kế tự muôn vật".
Trong Thi thiên 2.6-9 Đức Chúa Trời phán về Con của Ngài: "Dầu vậy, ta đã lập Vua ta Trên Si-ôn là núi thánh ta. Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức GIÊHÔVA phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ-nát chúng nó khác nào bình gốm".
Trong Thi thiên 89.27, Đức Chúa Cha phán về Chúa Jêsus: "Lại ta cũng sẽ làm người thành con trưởng nam ta, Vua cao hơn hết các vua trên đất". "Trưởng nam" không có ý nói Đấng Christ không phải là đời đời, mà ý nói tới quyền hợp pháp của Ngài là Con của Đức Chúa Trời.
Côlôse 1.16 chép: "Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả". Muôn vật được dựng nên VÌ Chúa Jêsus!
Khi Chúa Jêsus đến với đất, do nữ đồng trinh sanh ra, Ngài bằng lòng từ bỏ mọi sự vinh hiển của Ngài trên thiên đàng. Hãy suy nghĩ xem! Giờ phút Ngài bước vào trong thế gian nầy, Ngài chịu nghèo khó đến nỗi Ngài phải ngủ trong một nhà kho. Luca 9.58 chép: "…Con người không có chỗ mà gối đầu". Ngài chủ ý sống trong tình trạng nghèo khó để chúng ta nhận được những sự giàu có đời đời.
Khi Chúa Jêsus trở lại với trần gian trong Lần Đến Thứ Hai hay sự Tái lâm của Ngài, Ngài sẽ không đến như một em bé nằm trong máng cỏ nữa, mà như một Vì Vua đến chinh phạt. Khi ấy Đấng "kế tự muôn vật" mới thực sự tiếp lấy muôn vật.
Khi Chúa Jêsus kế tự "muôn vật", chúng ta là những tín đồ sẽ hiệp với Ngài trong sự kế tự đó. Roma 8.16-17 chép: "Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài".
II. Con Trẻ đang nằm trong Máng cỏ là Đấng Tạo Hoá của muôn vật.
Hêbơrơ 1.2 kế đó nói rằng chính "bởi Con [Chúa Jêsus] mà Ngài [Đức Chúa Cha] đã dựng nên thế gian".
Hết thảy mọi người đều được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang mang con dấu của Đức Chúa Trời đóng trên chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và vì chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Ngài, dù bị tội lỗi làm cho tì vít, chúng ta cũng có tính sáng tạo. Hết thảy chúng ta dù thế nào cũng có ao ước muốn sáng tạo. Hãy suy nghĩ về những kiệt tác nghệ thuật ở chung quanh chúng ta. Nếu quí vị nghi ngờ con người tự nhiên có tính sáng tạo, hãy đến với một trường nghệ thuật xem! Hãy suy nghĩ về các tác phẩm văn chương. Muốn nghĩ ra và viết ra văn chương, hẳn cũng cần phải có tính sáng tạo. Lần tới đây khi quí vị lái xe đi vòng quanh, hãy nhìn xem những tác phẩm kiến trúc mà quí vị đang nhìn thấy. Đầu óc của ai đó đã phác họa ra mọi kiến trúc ấy. Đức Chúa Trời có tính sáng tạo và Ngài dựng nên chúng ta cũng có tính sáng tạo nữa. Một yếu tố quan trọng đang phân biệt chúng ta. ĐỨC CHÚA TRỜI ĐANG DỰNG NÊN TỪ CHỖ KHÔNG KHÔNG.
Kinh Thánh rõ ràng dạy rằng chính Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời đã dựng nên thế gian. Thí dụ, Giăng 1.3 chép: "Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài".
Một lần nữa chúng ta đọc Côlôse 1.16: "Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả".
I Côrinhtô 8.6 chép: "về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy".
Hãy lưu ý trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta Chúa Jêsus "đã dựng nên thế gian". Khi nói về thế gian, bản Tân Ước tiếng Hy lạp dùng từ kosmos. Tuy nhiên, từ ngữ được dùng ở đây là aions như cõi vĩnh hằng hay thời đại. Chúa Jêsus không những đã dựng nên lãnh vực vật lý để chúng ta có thể nhìn thấy, mà Ngài còn dựng nên thời gian, không gian, năng lực và vật chất nữa!
Thật lố bịch làm sao khi những kẻ được gọi là nhà khoa học đang ra sức dạy con cái chúng ta rằng ngày kia thế giới bắt đầu, từng không có gì hết rồi mới có cái nầy cái kia. Cách lý luận cho chúng ta thấy rằng “từ chỗ không không sẽ ra cái không không”. Chỉ có đức tin mùa quáng dối trá mới khiến cho ai đó tin rằng sự phức tạp của mọi loài thọ tạo ra từ chỗ không không. Nếu từng có cái không không thì sẽ có cái không không.
Hãy suy nghĩ về điều đó xem! Chúa Jêsus đã phác họa ra tử cung để hình hài của Ngài được hình thành trong đó. Ngài đã tạo ra nhau [bộ phận lót dạ con lúc có thai, để nuôi dưỡng thai] và bức tường của dạ con đó. Khi Ngài ra đời rồi được đặt trong máng cỏ, Ngài đã dựng nên cây cối từ đó thợ mộc mới đóng thành chiếc máng cỏ. Ngài đã dựng nên nguyên liệu từ đó mấy cái khăn quấn tả lót cho trẻ sơ sinh mới có. Ngài đã dựng nên cấu trúc nguyên tử để đóng ra chiếc máng và sức hút trọng lực đặng khiến nó ở yên trên mặt đất. Chúa Jêsus đã dựng nên từng khía cạnh của thế giới vật lý rồi mới chọn bước vào đó như một em bé vô dụng!
III. Con Trẻ đang nằm trong máng cỏ là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời.
Câu 3 tiếp tục bằng cách nói rằng Chúa Jêsus là "sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời [Đức Chúa Cha]". "Chói sáng" ra từ chữ Hy lạp có ý nghĩa "chiếu sáng". Từ nầy cũng được dịch là "sự rực rỡ vinh hiển của Đức Chúa Trời" trong một số bản Kinh Thánh Anh ngữ, hoặc "sự phản chiếu vinh hiển của Đức Chúa Trời” .
Từ "đời xưa" như câu 1 chép, Đức Chúa Trời đã “nhiều lần nhiều cách” bày tỏ ra ánh vinh hiển của Ngài cho loài người xem thấy. Loài người có được những cái nhìn thoáng qua sự vinh hiển, sự rực rỡ sáng láng của Đức Chúa Trời.
Môise, Đấng ban luật pháp từng xin Ngài tỏ ra sự vinh hiển của Ngài. Đức Chúa Trời đã phán với ông rằng không một ai có thể nhìn xem mặt Ngài mà còn sống. Vì vậy Ngài đã đặt Môise vào trong bộng đá rồi để cho sự vinh hiển Ngài đi ngang qua trước mặt Môise. Môise chỉ nhìn thoáng qua được phần phía sau lưng của Đức Chúa Trời mà thôi, phần vương giả ánh vinh hiển của Ngài, giống như nhìn thoáng qua vạt áo choàng của cô dâu vậy. Cái nhìn thoáng qua nầy về ánh vinh hiển của Đức Chúa Trời rất gay gắt lắm, cho nên Môise phải lấy mạng che mặt lại vì "sự chói sáng của sự vinh hiển của Ngài" đã chiếu ra ở đó trong nhiều ngày.
Dân Israel đã nhìn thấy ánh vinh hiển sáng loà của Đức Chúa Trời trong những lần họ lang thang trong đồng vắng. Mọi sự họ phải làm là ngước mắt nhìn lên bầu trời. Họ có thể nhìn thấy trụ mây lúc ban ngày và trụ lửa lúc ban đêm. Khi đền tạm dựng xong, sự hiện diện của Đức Chúa Trời bèn ngự xuống trên ngôi ơn phước. Ánh vinh hiển shekinah của Ngài chói lói như thế, không một ai có thể nhìn ngắm được.
Tiên tri Êsai đã nhìn thoáng qua sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trong đền thờ. Ông đã nhìn thấy Chúa "ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ". Ông đã nhìn thấy sêraphin, các thiên sứ phục sự họ đã kêu lên: "Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!" Bối cảnh vinh hiển ấy phủ lút Êsai nên ông đã nói: "Khốn nạn cho tôi, xong đời tôi rồi!"
Xuyên suốt Cựu Ước, chúng ta nhìn thoáng qua sự vinh hiển, thế nhưng trong Tân Ước chúng ta nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được tỏ ra cách đầy trọn. Chúng ta nhìn thấy ĐỨC VUA ĐANG NẰM TRONG MÁNG CỎ! Ngày nọ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã đến, không ở trong đám mây, không ở trên một ngọn núi, không ở trong đền thờ, mà sự vinh hiển đã đến được bọc bằng khăn tả lót!
Có lẽ sứ đồ Giăng đã nói điều nầy ở chỗ hay nhất. Tôi thích Giăng 1.14: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha".
Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jêsus, chúng ta tiếp nhận sự vinh hiển. Khi chúng ta được cứu, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được gắn vào trong tấm lòng của chúng ta. Thờ phượng chỉ làm cho sự vinh hiển ấy toát ra mà thôi! Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.12: "Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống".
Thật đáng buồn làm sao, ngay cả khi chúng ta tổ chức kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, ơn cứu rỗi của thế gian, vẫn có nhiều người thích bước đi trong sự tối tăm. II Côrinhtô 4.4 nói tới những kẻ "chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời".
IV. Con Trẻ đang nằm trong máng cỏ là hình bóng của Đức Chúa Cha.
Câu 3 cũng nói rằng Chúa Jêsus là "hình bóng của bổn thể Ngài [Đức Chúa Cha]". Không những Ngài là "sự chói sáng" hay ánh "vinh hiển" của Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus là sự tỏ ra về phần thuộc thể của Đức Chúa Trời toàn năng đời đời.
Cụm từ "hình bóng của bổn thể" ra từ một từ ngữ được sử dụng để mô tả ấn tượng được làm ra bởi một con tem hay một con dấu. Các thứ giấy tờ quan trọng thường được đóng dấu bằng sáp và bằng nhẫn của một viên chức có quyền hành. Dấu của chiếc nhẫn đảm bảo rằng giấy tờ đó là hợp lệ. Cách làm nầy ngày nay vẫn còn có hiệu lực. Các thứ giấy tờ quan trọng phải được làm chứng và đóng ấn bởi công chứng. Con dấu bảo đảm tính cách hợp pháp. Giấy thông hành của tôi được đóng dấu bằng con dấu của các quốc gia mà tôi đã đi qua.
Cũng một thể ấy, Chúa Jêsus là "hình bóng của bổn thể", con dấu của Đức Chúa Cha. Luther nói rằng Chúa Jêsus là "Đức Chúa Trời sâu lắng trong xác thịt". Mọi sự về Chúa Jêsus đang phản ảnh Đức Chúa Cha.
Côlôse 1.15 chứa một câu nói tương tự. Câu nầy chép như sau: "Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, và Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên". "Hình ảnh", ở đây, là một từ khác. Nó ra từ chữ eikon từ đó chúng ta mới có chữ "icon" có nghĩa là biểu tượng. Từ nầy có ý nói tới bản sao hay một tái bản chính xác. Trong văn hóa của chúng ta chỗ gần nhứt để hiểu được từ nầy là từ ngữ "ảnh chụp". Chúa Jêsus là hình ảnh trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Nếu quí vị muốn biết Đức Chúa Cha như thế nào, thì hãy nhìn xem Chúa Jêsus. Trong một bản Kinh Thánh Anh ngữ, Hêbơrơ 1.3 được dịch như sau: "Đức Chúa Con phản chiếu ánh vinh hiển của Đức Chúa Trời và bày tỏ chính xác Đức Chúa Trời như thế nào".
Chúa Jêsus là sự tỏ bày Đức Chúa Trời theo phần xác thịt. Côlôse 2.9 chép: "Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình". Chính mình Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 14.9: "Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha". Cựu Ước dường như tỏ ra rằng Chúa Jêsus đã xuất hiện nhiều lần trước cái đêm ở thành Bêtlêhem trong hình thể con người. Ngài đã xuất hiện như một Đức Chúa Trời trông thấy được.
Khi Mary sinh con, không phải nàng là người đầu tiên nhìn thấy đôi mắt nhỏ bé đó. Chúa Jêsus, "hình bóng của bổn thể" Đức Chúa Trời đã và đang hiện hữu cho đến đời đời.
V. Con Trẻ đang nằm trong máng cỏ là Đấng Nâng Đỡ muôn vật.
Câu 3 kế đó là một câu nói rất hay. Câu nầy nói cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus liên tục "lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật". Nói như thế có nghĩa là: Ngài là sức mạnh có tính nâng đỡ của mọi loài thọ tạo. Không những Chúa Jêsus đã dựng nên muôn vật và sẽ kế tự muôn vật, ngay bây giờ Ngài đang nâng đỡ muôn vật.
Từ ngữ Hy lạp ở đàng sau "nâng đỡ" có ý nói "giúp đỡ hay bảo vệ". Từ nầy được dùng ở đây theo thì hiện tại ám chỉ rằng Chúa Jêsus hiện bây giờ liên tục và đang "nâng đỡ muôn vật". Ngay bây giờ Ngài đang nâng đỡ muôn vật, thậm chí cả chiếc ghế mà quí vị đang ngồi nữa đấy!
Côlôse 1.17 chép: "Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài". Ngài hiệp mọi sự lại với nhau. Phaolô đã nói với những người Hy lạp hay phê phán ở thành Athen như sau: "trong Ngài chúng ta sống, động và có” (Công Vụ các Sứ Đồ 17.18).
Hết thảy chúng ta đều ao ước trật tự và tính trước sau như một của thiên nhiên. Thảm hoạ xảy ra khi trật tự thiên nhiên bị phá vỡ. Khi bãp táp đánh vào vùng đồng bằng, khi có động đất khủng khiếp đánh vào bờ phía tây hoặc khi có núi lửa phun trào quấy rối trật tự thiên nhiên nầy, người ta ngã chết và thế giới sẽ rơi vào cảnh hỗn độn. Không có Chúa Jêsus "nâng đỡ muôn vật" hết thảy chúng ta sẽ bị hư mất. Sẽ ra sao nếu Ngài đình chỉ luật trọng lực chỉ trong một phút thôi? Chúng ta sẽ bị đùa vào trong không gian mất thôi!
MacArthur viết: "Hãy xét xem… sự hủy diệt nào sẽ xảy ra nếu vòng quay của quả đất chậm lại một chút thôi. Bề mặt của mặt trời có nhiệt độ 12.000 độ Fahrenheit. Nếu mặt trời gần chúng ta một chút thôi, chúng ta sẽ bị thiêu cháy mất; nếu nó ở xa chúng ta một chút, chúng ta sẽ bị đông giá ngay. Địa cầu của chúng ta có độ nghiêng một góc 23o, cung ứng cho chúng ta bốn mùa. Nếu nó không quay nghiêng như thế, hơi nước từ các đại dương sẽ chuyển lên hướng bắc và hướng nam rồi biến dạng thành những đại lục băng khỗng lồ. Nếu mặt trăng không giữ đúng khoảng cách đối với mặt đất, và làn sóng đại dương sẽ tràn ngập toàn bộ đất đai, một ngày hai lần… Nếu nền các đại dương chỉ sâu hơn một vài feet hơn hiện nay, sự cân bằng về carbon dioxide và oxygen trong bầu khí quyển quả đất sẽ hoàn toàn bị đảo lộn, và không một loài thú hay thực vật nào còn sống được… Làm thế nào cả vũ trụ cứ được giữ trong tình trạng cân đối như hiện nay? Đức Chúa Jêsus Christ đang nâng đỡ và giám sát mọi chuyển dịch của nó. Đấng Christ, Đấng Toàn Năng, đang nâng đỡ hết thảy".
Vì vậy con trẻ ra đời ở Bếtlêhem đã được sanh vào trong một thế giới mà Ngài đã điều khiển "bằng lời quyền phép của Ngài". Nếu Ngài có thể điều khiển mọi cơ phận ở trên trời thì chẳng có gì phải kinh ngạc khi một người đờn bà được chữa lành bởi cái chạm vào vạt áo của Ngài, một người mù được ban cho sự sáng bởi cái chạm của hai bàn tay Ngài hoặc Ngài có thể đi bộ băng ngang những làn sóng giận dữ của Biển Galilê. Ngài là Đấng nâng đỡ muôn vật.
Nếu Ngài có thể làm được mọi sự đó và Ngài yêu chúng ta đến thế, sao chúng ta lại lấy làm lo mà chi? Ngài đang vận hành trong đời sống chúng ta. Tôi tìm thấy một sự yên ủi có trong lời hứa ở Philíp 1.6: "…tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ". Nếu Ngài có thể nâng đỡ mọi loài thọ tạo, chắc chắn Ngài sẽ nâng đỡ tôi!
VI. Con Trẻ đang nằm trong máng cỏ là Đấng làm xong sự sạch tội lỗi của chúng ta.
Thật là kỳ diệu khi chúng ta có một Cứu Chúa đã dựng nên thế gian và nâng đỡ muôn vật bởi quyền phép của Ngài. Vẫn còn có những điều lớn lao hơn nữa, Ngài đã "làm xong sự sạch tội".
Hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Vì cớ tội lỗi của chúng ta, chúng ta đáng phải chết về phần xác, chết về thuộc linh và sự phân cách đời đời xa khỏi Đức Chúa Trời. Cựu Ước mô tả sự làm sạch tội trong công tác của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Các Thầy Tế Lễ trong Cựu Ước đã dâng của lễ liên tục vì ích cho dân sự. Chúa Jêsus chỉ dâng một của lễ mà thôi.
Con trẻ ra đời tại thành Bếtlêhem trở thành của lễ trọn vẹn một lần đủ cả vì cớ tội lỗi chúng ta. Khải huyền 13.8 mô tả Ngài là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế".
Chúa Jêsus không những là một của lễ. Ngài còn là một của lễ trọn vẹn, thánh khiết và thanh sạch nữa. I Phierơ 1.18 chép: "vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít".
Hêbơrơ 9.26 chép: "…bằng chẳng vậy, thì từ buổi sáng thế đến nay, Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần rồi. Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi". Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta nói rằng Ngài "làm xong sự sạch tội”. Không có ai giúp Chúa Jêsus trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Thậm chí Cha của Ngài cũng đã xây mặt khỏi Ngài. Chỉ có cô độc, Chúa Jêsus đã cầu nguyện ở trong vườn. Chỉ có một mình bị treo giữa trời và đất. Chỉ một mình Ngài gánh lấy hết thảy tội lỗi của cả thế gian. Chỉ có Con Trẻ ra đời ở thành Bếtlêhem để chịu chết.
Trên bức tường viện bảo tàng trại tập trung ở Dachau là một bức ảnh lớn chỉ về một người mẹ và đứa con gái nhỏ đang đứng xếp hàng trước phòng hơi ngạt. Đứa trẻ, bước tới đứng trước mẹ nó, không biết mình sẽ đi đâu. Người mẹ, đang đứng ở đàng sau, bà biết rõ, song bất lực không ngăn được tai họa. Trong tình trạng bất lực của mình, bà làm ra một hành động yêu thương duy nhứt cho đứa con. Bà đặt hai bàn tay mình che mắt đứa con mình lại, làm vậy ít nhất nó sẽ không nhìn thấy cảnh ghê khiếp sắp đến. Khi người ta bước vào nhà bảo tàng họ không vội gạt đi nước mắt của mình. Họ dừng lại đó. Hầu như họ cảm nhận được nỗi đau. Và sâu lắng bên trong, tôi nghĩ hết thảy họ đều đang nói. "Lạy Chúa, xin đừng để cho sự ấy xảy ra nữa".
Chúa Jêsus ra đời để ban cho chúng ta sự trông cậy. Chúng ta đang có sự trông cậy ấy vì cớ sự chết của Ngài. Ngài đã "làm sạch mọi tội" để chúng ta không phải chịu khổ vì chúng trong cõi đời đời.
VII. Con trẻ đang nằm trong máng cỏ là Đấng Hoàn Tất ơn cứu rỗi của chúng ta.
Đừng bỏ qua phần cuối cùng trong câu 3, Chúa Jêsus "bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao". Giờ đây Chúa Jêsus đang ngồi ở bên hữu Đức Chúa Cha. "Tay hữu" luôn luôn chỉ về quyền lực.
Trong Cựu Ước, không có một chỗ ngồi nào ở trong đền thờ. Các thầy tế lễ không bao giờ ngồi vì cớ công việc dâng của lễ không bao giờ ngưng đọng. Lời lẽ quan trọng nhất trong cụm từ nầy là "bèn ngồi". Chúa Jêsus "bèn ngồi" vì Ngài đã làm xong việc. Ngài đã hoàn tất công ơn cứu rỗi chúng ta bằng cách dâng một của lễ sau cùng, trọn vẹn vì cớ tội lỗi chúng ta. Chính Ngài đã phán từ trên thập tự giá: "Mọi sự đã được trọn" (Giăng 19.30).
Thật đáng buồn làm sao khi có nhiều người chịu khó làm việc để lấy cái mà họ không giữ được. Chúa Jêsus đã làm xong công việc rồi. Ngài hiến ơn cứu rỗi cách rời rộng. Ngài ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Trời hôm nay để cầu thay cho chúng ta. Roma 8.34 chép: "…Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta".
Mấy gã chăn chiên thấy gì khi bước vào chuồng chiên máng cỏ gần sụp xuống kia chứ? Họ đã nhìn thấy ĐỨC VUA ĐANG NẰM TRONG MÁNG CỎ. Họ đã nhìn thấy ĐẤNG KẾ TỰ MUÔN VẬT, ĐẤNG TẠO HOÁ CỦA MUÔN LOÀI VẠN VẬT, là SỰ CHÓI SÁNG CỦA SỰ VINH HIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI, là HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC CHÚA CHA, là ĐẤNG NÂNG ĐỠ MUÔN VẬT, là ĐẤNG LÀM SẠCH TỘI, và là ĐẤNG HOÀN TẤT ƠN CỨU RỖI CHO CHÚNG TA. Khi quí vị nhìn thấy hình ảnh bối cảnh giáng sinh trên các tấm thiệp, các biển quảng cáo, trên các tấm vải, quí vị có nhìn thấy ĐỨC VUA ĐANG NẰM TRONG MÁNG CỎ không?
Luis Palau thuật lại về một gia đình giàu có người Âu châu đãi một bữa tiệc cho đứa con mới sinh của họ trong một toà lâu đài đồ sộ. Hàng tá thực khách đã được mời đến, và hết thảy họ đều đến ăn mặc thật là đẹp. Sau đó họ được mời lên căn phòng trên lầu, các vị khách mời đều được chiêu đãi theo hàng vương giả. Không bao lâu sau đó đã đến giờ long trọng mà vì cớ đó họ đã được mời đến. Họ giới thiệu em bé theo cấp độ cao trong xã hội. Thế nhưng đứa bé ở đâu mới được chứ? Không một ai biết hết. Cô giáo của đứa trẻ chạy lên lầu rồi trở lại với một sự hớt hãi trên khuôn mặt của cô. Ai nấy đều mong nhìn thấy đứa trẻ. Thế rồi có người tới nói đã nhìn thấy nó đang ngủ trên một chiếc giường. Đứa trẻ đang nằm ở trên giường, được đắp bằng cả đống áo choàng, áo vest và áo bằng lông da thú. Đối tượng cho ngày tiệc tùng đó đã bị quên lãng, bị chậm trễ, và gần như bị che giấu. Con trẻ mà ngày sinh nhật của con trẻ ấy chúng ta đang kỷ niệm vào dịp Lễ Giáng Sinh dễ dàng bị che giấu bên dưới hàng đống những lời truyền khẩu và những sự tuân giữ theo văn hoá của mùa lễ. Chúng ta cần phải bước vào từng mùa Lễ Giáng Sinh với câu hỏi: "Con Trẻ đang ở đâu?"
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét