Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Những Trông Mong Lớn Lao



Những ngày lễ hay những ngày cuồng nhiệt
Những trông mong lớn lao
Luca 2.21-38
1. Có nhiều quảng cáo cho những ngày lễ. Chúng ta mua sắm các món quà; chúng ta dự vô số các bữa tiệc cùng những sự kiện lễ lạc. Chúng ta đi đó đi đây gặp gỡ những người thân. Chúng ta thấy căng thẳng khi lăn xăn cho cái ngày cao điểm mỗi năm và rồi ngày ấy qua đi. Nếu chúng ta thành thực, chúng ta sẽ nhìn nhận suốt kỳ lễ, Lễ Giáng Sinh không bao giờ chìu theo những điều chúng ta trông mong. Đối với nhiều người, mùa lễ sẽ để chúng ta lại trong chỗ thất vọng.
2. Tuần nầy, tôi có đọc thấy một bà mẹ trẻ đã gặp phải một ngày không được tốt. Chuông điện thoại của bà reo vang và một giọng tử tế ở đầu dây bên kia nói: "Sao, con khoẻ không? Hôm nay con thế nào rồi?" "Ôi, Mẹ ơi" bà mẹ nầy đáp: "Con đang gặp phải một ngày không được tốt lắm. Con bé chẳng chịu ăn, cái máy giặt không chạy, nhà cửa thì hỗn độn quá, con không có dịp đi mua sắm trong dịp Lễ Giáng Sinh và chúng con có mời hai cặp vợ chồng đến ăn cơm tối nay". Bà mẹ kia rất thông cảm. Bà nói: "Ôi, con ơi, hãy ngồi xuống đi, hãy thoải mái, rồi nhắm mắt lại. Mẹ sẽ đến chừng một tiếng rưỡi đồng hồ nữa. Con có thể đi mua sắm mà. Mẹ sẽ lau dọn nhà cửa và nấu bữa tối cho con. Mẹ sẽ cho em bé bú sữa, và mẹ sẽ gọi thợ đến xem lại máy giặt. Bây giờ thôi đừng gào lên nữa. Mẹ sẽ làm hết mọi chuyện cho. Thực vậy, thậm chí mẹ sẽ cho gọi John ở chỗ làm rồi yêu cầu nó về nhà ngay và phụ giúp công việc". "John hả?" bà mẹ trẻ hỏi. "John là ai vậy?" "Sao chứ, John hả! Chồng con đấy!… Bộ không phải số nầy sao 555-1265?" "Không đâu, đây là số 555-1264 mà". Người tử tế bên đầu dây kia nói: “Ô, tôi đã quay lộn số rồi". Giọng nói dừng lại một chút. Thế rồi bà mẹ vô dụng nầy lên tiếng hỏi: "Nói vậy là bà không đến ư?"
3. Làm thế nào chúng ta khỏi rơi vào cảnh thất vọng? Làm thế nào chúng ta dám chắc mùa lễ Giáng Sinh nầy sẽ chìu theo những điều trông mong lớn lao của chúng ta? Hãy đặt mọi điều trông mong của mình nơi Chúa. Thay vì bị kéo vào những ngày cuồng nhiệt đó, hãy tập trung vào kỳ lễ. Quí vị hiểu rõ từ ngữ "ngày lễ" có nghĩa là "ngày thánh" rồi. Hãy xem mùa lễ nầy là thánh. Hãy tìm cách đào sâu mối quan hệ của quí vị với Đấng Christ và Ngài sẽ làm thoả mãn từng điều trông mong của quí vị. Thực vậy, phân đoạn Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta truyện tích nói tới hai người, họ đã nhìn thấy những điều mong đợi lớn lao của họ đã được ứng nghiệm.
4. Chúng ta hãy xét xem những điều mong đợi lớn lao của Lễ Giáng Sinh đầu tiên, rồi kế đó hãy xét qua một vài phương thức đặt những điều chúng ta mong đợi nơi Chúa Jêsus trong mùa lễ Giáng Sinh nầy.
I. Những điều mong đợi lớn lao trong dịp Lễ Giáng Sinh đầu tiên.
A. Phép cắt bì của Chúa Jêsus (câu 21).
1. "Tám ngày" sau khi Chúa Jêsus giáng sinh trong chuồng chiên máng cỏ tại thành Bêtlêhem, Mary và Giôsép đem Ngài đi để chịu "phép cắt bì". Đây là dấu hiệu mối quan hệ giao ước của Đức Chúa Trời với dân Israel như đã được ban ra cho Ápraham trong Sáng thế ký 15.
2. Chúa Jêsus đã chịu phép cắt bì theo Luật Môise trong vai trò một người nam Do thái. "Phép cắt bì" theo luật pháp là cần thiết cho Ngài để trở thành một chi thể trong xã hội Do thái. Không chịu phép cắt bì, Ngài sẽ bị coi là một con chó dân Ngoại.
3. Galati 4.4 chép: "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp".
4. Khi đến tuổi làm "phép cắt bì" một con trẻ nam cũng được đặt tên của mình. Theo lời của thiên sứ: "Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là JÊSUS". Tên ấy được đặt cho Ngài "trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ".
5. Danh "Jêsus" trong Tân Ước tương đương với Giôsuê trong Cựu Ước. Tên nầy có nghĩa là"Cứu Chúa". Nhiều người nhận biết con trẻ nằm trong máng cỏ bởi cái tên Jêsus, quí vị có nhận biết Con Người đang ngồi bên tay hữu của Đức Chúa Cha là Cứu Chúa không?
6. Châm ngôn 18.10 chép: "Danh Đức GIÊHÔVA vốn một ngọn tháp kiên cố; Kẻ công bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn trú cao".
B. Phần dâng Chúa Jêsus (các câu 22-24).
1. Luật pháp cũng nói trong Lêvi ký 12 rằng một người nữ phải đợi đến 33 ngày cho tới khi "đương khi huyết mình được sạch, không nên đụng một vật thánh nào hay là đi tới nơi thánh cho đến kỳ làm thanh sạch được trọn rồi". Chỉ khi ấy nàng mới có thể vào trong đền thờ.
2. Vì vậy Mary và Giôsép đã mang con trẻ Jêsus "lên thành Jerusalem" đến đền thờ "để dâng cho Chúa" như Con Trai đầu lòng của họ vậy. Chúng ta có cách làm tương tự thế hôm nay khi chúng ta dâng trẻ sơ sanh của chúng ta cho Chúa.
3. Luật pháp cũng nói rằng người ta phải dâng một của lễ, đặc biệt một "chiên con". Tuy nhiên, Lêvi ký 12.8 chép: "Còn nếu người không thế lo cho có một chiên con, thì phải bắt hai chim cu, hoặc hai con bò câu con". Câu 24 trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta khẳng định Mary "không thể dâng một chiên con".
4. Chúa Jêsus ra đời trong cảnh nghèo khó. Theo giới hạn đương thời, Ngài không có Playstation. Ngài không sử dụng thẻ Pokemon. Ngài đã sống trong nhà của người nghèo, ăn thức ăn của người nghèo và mặc quần áo của người nghèo.
C. Lai lịch của Simêôn (các câu 25-26).
1. Trong các câu 25-26 chúng ta thấy phần mô tả "trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si-mê-ôn". Simêôn là một con người bình thường, một Joe trung bình. Không thấy ghi ông thuộc giai cấp hay một sự phân biệt nào. Tên của ông rất phổ thông. Trong tất cả các nhân vật trong truyện tích Giáng sinh, ông tiêu biểu cho chúng ta.
2. Simêôn được mô tả là "công bình". Từ ngữ Hy lạp có nghĩa là "vô tư, ngay thẳng". Simêôn là một người nhơn đức và khuôn phép đang tìm cách tới gần. Một học giả đã mô tả ý nghĩa chữ nầy như sau: "Ông cư xử đàng hoàng với mọi người".
3. Simêôn cũng được mô tả là "đạo đức". Ông rất nghiêm chỉnh trong mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Ông là một con người rất tin kính. Từ ngữ cũng có ý nghĩa "dè dặt hay cẩn thận". Tôi nghĩ tới ông là một người lớn tuổi hơn, ông đã nhìn thấy quá nhiều trong cuộc đời mình.
4. Phần mô tả nổi bật của Simêôn, ấy là ông đang "trông đợi sự yên ủi của dân Israel". Trong 400 năm, kể từ khi kết thúc thời kỳ Cựu Ước, thiên đàng đã im lặng. Đức Chúa Trời không phán dạy nữa. Đây là thời kỳ tối tăm. Tuy nhiên, Simêôn đang nắm giữ lời hứa của Đức Chúa Trời về một Đấng cứu tinh, một Đấng cứu chuộc, Đấng Mêsi sẽ đến đem sự bình an. "Sự yên ủi" có nghĩa là "đến một bên đặng yên ủi". Từ ngữ nầy ra từ cùng một chữ mô tả Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi của chúng ta. Cụm từ đã được dịch như sau: "Ông đang trông đợi thời điểm khi Đức Chúa Trời cất bỏ sự buồn rầu của dân Israel".
5. Kinh Thánh nói thêm về Simêôn: "Đức Thánh Linh ngự trên người". Cho tới Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh không thường trực ngự trong hàng tín đồ. Ngài đã đến "ngự trên" họ để giúp cho họ làm ra nhiều việc thật khác thường. Ngài đã ban một cái chạm đặc biệt cho một phần việc đặc biệt. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã vận hành tích cực trong Simêôn.
6. Sau cùng Kinh Thánh cho chúng ta biết phần chức vụ của Đức Thánh Linh trên Simêôn là tỏ ra "rằng ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa". Đức Chúa Trời đã phán với ông: "Ngươi sẽ không chết cho tới chừng nào cặp mắt già nua của ngươi nhìn thấy Con ta, Cứu Chúa ngươi trong xác thịt". Tôi tưởng tượng ra cụ già đang đi bộ trên các đường phố Jerusalem, chăm chú nhìn vào gương mặt của những người lạ, miệng cứ cầu xin Chúa: "Liệu ngày nay con sẽ gặp Ngài chăng? Có phải người nầy không?"
7. Ai nấy đều biết rõ lời tiên tri, song lâu nay chẳng có một lời nào ra từ Đức Chúa Trời cả. Dân sự thôi không còn trông cậy nữa. Họ bị hao mòn với lao động vất vả trong cuộc sống của họ… còn Simêôn thì không như vậy đâu!
D. Phước hạnh của Simêôn (các câu 27-32).
1. Ngày nọ "Đức Thánh Linh" dẫn dắt Simêôn lên đền thờ cùng lúc Mary và Giôsép đã đến để dâng của lễ và dâng Jêsus cho Chúa.
2. Khi cặp mắt già nua của Simêôn nhìn thấy Con Trẻ, ông biết ngay Ngài là ai liền. Chúng ta không biết ông đã nói gì với Mary hoặc giả không biết ông có nói gì không!?! Chúng ta biết "ông bồng ẳm con trẻ".
3. Hãy hình dung những cảm xúc đã tuôn tràn qua Simêôn trong giây phút ấy! Ông đã bồng Đấng Chịu Xức Dầu trong vòng tay mình. Ông đã ẳm Đức Chúa Trời trong vòng tay mình!
4. Tôi rất đỗi ngạc nhiên không biết Con Trẻ sẽ như thế nào? Phải chăng Con Trẻ khóc, chòi đạp, ngủ say hay ê a mím cười. Tôi nghĩ họ đã nhìn thẳng vào mắt nhau.
5. Hãy lưu ý, ngay giây phút ấy Simêôn đã "ngợi khen Đức Chúa Trời". Ông nói rằng giờ đây ông có thể "qua đời bình an". Ông đã sẵn sàng để qua đời. Lời hứa của Đức Chúa Trời đã được ứng nghiệm "theo như Lời của Ngài".
6. Ông nói: "Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài". Ông vốn biết rõ Con Trẻ một tháng rưỡi tuổi kia là "sự cứu vớt" của ông.
7. Đức Chúa Trời đã "sắm sửa" Chúa Jêsus trước mặt "muôn dân". Cứu Chúa nầy đã được tỏ ra cho toàn thể nhân loại.
8. Ông gọi Chúa Jêsus là "ánh sáng trước mặt muôn dân". Giống như Đức Chúa Trời phán với Ápraham trong Sáng thế ký 12.3, nơi ông "các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước". Cảm tạ Đức Chúa Trời, không những Chúa Jêsus là Cứu Chúa của người Do thái. Ngài còn là "Mặt trời công nghĩa" và là "Ngôi Sao" ra từ nhà "Giacốp" nữa. Ngài là "Sự sáng… ban ánh sáng cho những kẻ đang ngồi trong miền tối tăm". Simêôn đã nhìn thấy Ngài trong lúc ấu thơ!
9. Ngài cũng là "sự vinh hiển cho dân Israel". Israel đã chối bỏ Đấng Mêsi của mình, nhưng một số dân sót sẽ được bảo tồn. Trong ngày ấy Roma 11.26 chép: "vậy thì cả Israel sẽ được cứu".
E. Lời tiên tri của Simêôn (các câu 33-35).
1. Khi Simêôn "ngợi khen Đức Chúa Trời", Giôsép và Mary đã "lấy làm lạ". Kế đó ông "bèn chúc phước cho họ". Chúc phước cho người khác là điều rất phổ thông trong cộng đồng Do thái và trong Hội thánh đầu tiên.
2. Cụ Simêôn đã nói tiên tri: "Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên". Nhiều người sẽ vấp ngã vì Ngài nhưng có nhiều người sẽ dấy lên. Ngài sẽ trở thành "một dấu gây nên sự cãi trả".
3. Ông nói với Mary: "có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi". Có bao nhiêu lần nàng nhớ lại lời nói nầy? Chắc chắn nàng đã nghe thấy chúng một lần nữa tại thập tự giá.
4. Qua Chúa Jêsus "tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ".Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta phải đưa ra một quyết định.
F. Lời ngợi khen của Anne (các câu 36-38).
1. Khi Simêôn đã nói xong, một cụ bà có tên là "Anne" đến bên cạnh họ. Bà vào khoảng 84-107 tuổi, đã ở goá "bảy mươi năm”.
2. Bà dành hết thời gian lâu dài đó hầu việc Đức Chúa Trời. Bà "chẳng hề ra khỏi đền thờ". Bà đã hầu việc Chúa bằng "kiêng ăn và cầu nguyện" cả "đêm ngày".
3. Trong niềm vui mừng cực kỳ của Simêôn, bà dâng lời "ngợi khen Đức Chúa Trời" và "nói chuyện về con trẻ [Chúa Jêsus] với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem".
4. Cả Simêôn và Anne đều "trông đợi" hay đã có những điều trông mong lớn lao. Họ đã gặp gỡ Chúa Jêsus một cách trọn vẹn trong ngày ấy!
II. Những điều trông mong lớn lao trong dịp Lễ Giáng Sinh nầy.
Chúng ta sẽ không tắc trách đến nỗi không đưa ra một vài ứng dụng theo Kinh Thánh của phân đoạn nầy vào đời sống của chúng ta. Nếu những điều chúng ta trông mong đều đặt nơi Chúa Jêsus, chúng ta sẽ không bao giờ thấy thất vọng đâu. Cho phép tôi cung ứng cho quí vị ba chìa khoá trong mùa lễ “thánh” nầy
A. Tìm kiếm điều chi đó tốt hơn.
1. Simêôn là một Joe bình thường với một thái độ phi thường. Không giống bao người khác trong xã hội của ông, ông không bị lôi cuốn vào những bon chen đời nầy. Ông đang mong đợi điều chi đó tốt hơn đến từ nơi Chúa.
2. Có người nói: "Chúng ta đang sống dưới cùng một bầu trời, song hết thảy chúng ta không có cùng một đường chân trời". Mọi sự là ở nơi thái độ. Nếu chúng ta bước vào mùa lễ nầy với lòng trông mong chỉ có đám đông, xe cộ qua lại, chen lấn, thì y như hết thảy chúng ta đang đi mua sắm mà thôi. Nếu chúng ta trông đợi điều chi đó tốt hơn, nếu chúng ta mong nhìn thấy "những ngày thánh", những thời điểm vui mừng và bước đi sâu sắc với Đấng Christ, đây mới đúng là điều chúng ta nên tìm kiếm!
3. Tôi đã nghe nhiều người nói: "Chúng ta trải qua mọi rối rắm để sẵn sàng cho Lễ Giáng Sinh và rồi Lễ ấy qua đi chỉ trong mấy phút đồng hồ". Có người nói họ muốn lễ Giáng Sinh kết thúc mọi sự trong năm. Tôi đọc thấy câu nầy vào một ngày khác: "Bất cứ người nào không nghĩ Lễ Giáng Sinh kết thúc mọi sự trong năm đều không có thẻ tín dụng".
Tôi đọc thấy về hai người kia quyết định ra khơi trong khi vợ của họ đi mua sắm cho dịp lễ Giáng Sinh. Một cơn bão dữ ụp đến đẩy chiếc thuyền quay tròng trành trên mặt nước. Chiếc thuyền buồm nhỏ buộc phải lên bờ của một hòn đảo nhỏ. Dân bản xứ đã tấn công họ bằng những mũi lao có tẩm chất độc. Khi họ núp ở đàng sau chiếc thuyền, người nầy nói với người kia: "Tôi biết rằng hôm nay không đúng như dự trù, đi mua sắm Giáng Sinh còn sướng hơn thế nầy, có phải không?"
4. Biến Lễ Giáng Sinh thành một kết thúc không phải về việc đi mua sắm, các món quà hay những thứ trang trí. Giáng Sinh là một thái độ.
B. Giữ Chúa Jêsus ở trong lòng quí vị.
1. Hãy suy nghĩ lại trong một phút xem cụ Simêôn đang ẳm Con Trẻ Phước hạnh trong vòng tay của cụ. Đúng là một sự vui mừng đã phủ lút cụ! Đây là giây phút trọng đại nhất trong cả cuộc đời của cụ!
2. Chúng ta không thể ẳm bồng Chúa Jêsus trong vòng tay của mình, song chúng ta có thể giữ Ngài ở trong tấm lòng của chúng ta. Chúa Jêsus phán trong Khải huyền 3.20: "Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ. Hễ ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với ta". Đúng là giây phút kỳ diệu của năm khi mở cánh cửa lòng ra và ôm chầm lấy Chúa Jêsus! Cho phép tôi cung ứng cho quí vị ba lợi ích của việc làm như thế.
a. Thứ nhứt, Ngài ở cùng chúng ta cho đến đời đời. Simêôn đã ẳm bồng Chúa Jêsus trong mấy phút đồng hồ thôi, nhưng chúng ta có thể giữ Ngài cho đến đời đời. Roma 8.39 chép không có một điều gì có thể "phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta".
b. Thứ hai, Ngài ban cho chúng ta sự bình an. Simêôn đã ẳm bồng Chúa Jêsus và rồi ông đã qua đời trong sự bình an, nghĩa là, ông đã chết. Con người cần sự bình an. Chúa Jêsus là "Chúa Bình An". Ngài ban cho chúng ta sự hoà thuận lại với Đức Chúa Trời và sự bình an của Đức Chúa Trời. Bình an có nghĩa là không bị bực mình, không bị quấy rối. Bình an có nghĩa là êm ả, nhưng biết mình đang có được điều còn hơn điều mình đang có đây nữa.
c. Thứ ba, Ngài ban cho chúng ta sự sáng. Simêôn đã nói tiên tri Chúa Jêsus sẽ trở thành "ánh sáng trước mặt muôn dân". Chúa Jêsus là "Sự sáng của thế gian". Đối với quí vị Lễ Giáng Sinh có thể là một khoảng thời gian tăm tối, một thời gian của sự cô độc. Có thể nó đưa trở lại nhiều ký ức đau đớn. Có thể nó chỉ ra nỗi đau của một cái chết hay một cuộc ly dị. Giăng 1.5 chép Chúa Jêsus là "sự sáng soi trong tối tăm". Nếu quí vị chịu mở cánh cửa lòng mình ra và ôm chầm lấy Ngài, ngày lễ của quí vị sẽ trở thành một "ngày thánh" và Lễ Giáng Sinh không bao giờ như trước nữa.
C. Hãy chia sẽ niềm vui của quí vị với người khác
1. Có nhớ cụ Anne không? Ngay lập tức cụ đi ra và "nói về con trẻ" cho những ai "trông đợi sự cứu chuộc". Cụ đã chia sẻ những tin tức tốt lành với những ai sẵn lòng lắng nghe chúng.
2. Có nhiều người ở chung quanh chúng ta, họ đang trông đợi "để được cứu chuộc". Họ cần niềm hy vọng. Họ cần sự bình an. Thậm chí có thể họ không biết điều đó. Hãy chia sẻ niềm vui mừng của quí vị trong mùa lễ nầy.
Sau khi mở ra hết mấy gói quà của mình, một cô bé đã thắc mắc: "Phải chăng mình đã nhận được hết mọi thứ mà mình muốn nhận trong kỳ Lễ Giáng Sinh?" Nó suy nghĩ trong một phút rồi nói: "Không. Nhưng mà, đây không phải là ngày sinh nhật của mình".
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét